(HNM) - Hơn 2 tháng trước vụ một bé gái bị điện giật tại một máy ATM ở TP Hồ Chí Minh đã khiến các ban, ngành liên quan giật mình. Trước đó đã có hiện tượng người rút tiền bị điện giật nhẹ nhưng không chết người nên không ai chú ý.
Đến khi xảy ra sự việc đau lòng trên, các ngân hàng, ngành điện lực mới vào cuộc, tổng kiểm tra các máy ATM trên toàn quốc. Tại TP Hồ Chí Minh gần 130 máy ATM bị rò điện trong tổng số 1.300 máy ATM. Tại Hà Nội, kiểm tra 1.152 máy đã phát hiện 152 máy không an toàn, có máy còn bị rò điện tới mức gây chết người. Cũng từ đó, các ngân hàng mới kiên quyết hơn trong việc đóng cọc tiếp đất để chống rò điện tại các máy ATM trong các tòa nhà cao tầng, nơi trước đây họ không dám làm vì "ngại" chủ nhà. Còn người dân cẩn thận hơn, có người thậm chí kè kè bút thử điện bên người mỗi khi định rút tiền tại máy ATM.
Trước đó hơn một tháng, vụ cháy tòa nhà 34 JSC trên đường Lê Văn Lương cũng cướp đi mạng sống của 2 người. Nguyên nhân được xác định là hệ thống phòng cháy chữa cháy không đúng quy định. Sau đó là một đợt tổng kiểm tra đột xuất công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, nhà tái định cư tại Hà Nội. Kết quả mới được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố cho thấy chỉ có 172/368 (tức chưa được 1/2) chung cư đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Cụ thể hơn chỉ 178/368 nhà có hệ thống thu rác (trong đó có 70 nhà đạt yêu cầu), chỉ 119 nhà có bể nước dùng để cứu hỏa. Hệ thống thang máy tại các chung cư cũng chưa đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy, nếu xảy ra hỏa hoạn thang máy sẽ dừng lại hoặc dừng ở tầng gần nhất, gây khó khăn đến việc thoát nạn của người dân… Tất nhiên, sau những cuộc kiểm tra trên, những giải pháp cho công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư được đề ra cho dù đấy là yêu cầu bắt buộc khi chuẩn bị xây dựng các chung cư.
Không có những sự cố đáng tiếc, có lẽ công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, bảo đảm an toàn điện tại các máy ATM vẫn không được coi trọng. Nhưng cuộc sống không chỉ có nhà chung cư hay máy ATM. Còn nhiều chỗ, nhiều lĩnh vực cần những cuộc kiểm tra định kỳ nghiêm túc và giải quyết thật quyết liệt. Có như vậy mới tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Và lúc ấy chắc chẳng cần đến những cuộc kiểm tra bất thường, bất đắc dĩ như trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.