(HNM) - Nhằm quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản từ các tỉnh về Thủ đô tiêu thụ, Hà Nội đã và đang kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản ở các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng… nhằm truy xuất nguồn gốc. Qua đó, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính răn đe, từng bước nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Vẫn phát hiện vi phạm
Qua kiểm tra, giám sát chất lượng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản vẫn xuất hiện một số cơ sở không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mặt hàng nhập về tiêu thụ. Trong tháng 8-2019, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra 105 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông, lâm sản, thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm lâm. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 162,5 triệu đồng đối với 12 tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, các đơn vị còn tham gia cùng đoàn liên ngành kiểm tra 1.477 cơ sở, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp với số tiền 66,1 triệu đồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Trong công tác kiểm tra đột xuất, Chi cục đã kiểm tra tại 2 cơ sở. Qua kiểm tra, phát hiện sản phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt: 50kg cá trứng; sản phẩm không có nhãn: 100kg mực, 12kg bề bề, 20kg cá kìm, 20kg cá đù; nhãn ghi sai nguồn gốc xuất xứ: 50kg cá thu đao (cá kìm). Chi cục đã xử lý 3 cơ sở với số tiền 8,75 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm...
Trao đổi về những khó khăn trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết: Phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, nguồn thực phẩm lấy từ các tỉnh, thành phố về không có nguồn gốc rõ ràng; sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, xử lý vi phạm ở tuyến xã chưa thường xuyên và quyết liệt, chủ yếu là nhắc nhở, chưa tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao…
Còn theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường vẫn phát hiện vi phạm. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa xử lý dứt điểm một số tồn tại như: Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh rau, quả và thủy sản; công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương chưa đồng bộ, chưa chuyên nghiệp…
Củng cố lại quy trình sản xuất
Để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho rằng: Thời gian tới, huyện hỗ trợ nông dân củng cố lại quy trình sản xuất, trong đó, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chủ động cập nhật các quy định mới về an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc quy định, khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh...
Các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục có chính sách khuyến khích hộ sản xuất xây dựng chuỗi sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến tới tiêu thụ để giám sát chất lượng nông sản khi đưa ra thị trường. Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, quản lý an toàn thực phẩm. Thành phố nâng cấp hệ thống trang thiết bị, phương pháp kiểm nghiệm ở các huyện để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề an toàn thực phẩm.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất quy mô lớn; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt VietGAP.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho người dân; đồng thời, xác định hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật thường sử dụng trong trồng trọt để người dân nắm bắt, qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các đơn vị của Sở tăng cường lấy mẫu kiểm tra giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản ở thị trường, công khai những mẫu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
“Cùng với đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo quy định. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Công an, quản lý thị trường điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở sản xuất và tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.