(HNM) - Bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân những tháng cuối năm dự báo sẽ tăng cao, trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không phép vẫn ngày đêm hoạt động. Thực trạng này không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn ẩn chứa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đã đến lúc cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần có những giải pháp căn cơ, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn, mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng.
Vì sao khó kiểm soát?
Một câu chuyện không mới nhưng không thể không nhắc tới trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đó là tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, nhỏ lẻ vẫn diễn ra trong các khu dân cư, chợ cóc, chợ tạm.
Ông Nguyễn Tiến Hậu ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết: "Hiện nay, gia đình đang nuôi 10 con lợn đến kỳ xuất chuồng. Nếu thương lái có nhu cầu giết mổ ngay tại nhà, tôi sẵn sàng phục vụ họ". Việc giết mổ nhỏ lẻ không chỉ có trong các khu dân cư mà còn diễn ra tại chợ dân sinh. Bà Lê Thị Bích, bán gia cầm tại chợ tạm phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho hay: “Tôi mua gà của người chăn nuôi, làm thịt bán cho khách và cũng nhận làm thịt thuê cho những người có nhu cầu. Gia cầm có mắc bệnh hay không thì tôi không thể biết...!”.
Tình trạng nêu trên không mới, Báo Hànộimới cũng đã có nhiều bài viết đề cập về vấn đề này cùng những lời cảnh báo của cơ quan chức năng. Các nhà quản lý cũng đưa ra không ít giải pháp để đẩy lùi vấn nạn giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư, chợ dân sinh... Vậy tại sao tình trạng này vẫn tái diễn?
Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, trên địa bàn huyện hiện có hàng chục cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, với quy mô mỗi cơ sở giết mổ khoảng 2-10 con lợn/ngày và khoảng 20-40 con gia cầm/ngày. Việc kiểm soát những cơ sở giết mổ này không đơn giản vì chủ cơ sở thường giết mổ ban đêm và có hộ dân tự giết mổ ngay tại nhà.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 749 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, nhưng chỉ có gần 200 cơ sở đủ điều kiện, được cấp giấy phép kinh doanh, còn lại là cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động không phép... Nguyên nhân là do chi phí giết mổ ở những cơ sở nhỏ lẻ thấp hơn nhiều so với các cơ sở giết mổ công nghiệp. Cùng với đó, nhận thức cũng như thói quen dễ dãi của người tiêu dùng đã trực tiếp nuôi dưỡng sự tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này. Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác kiểm soát của cơ quan chức năng.
Siết chặt công tác quản lý
Để ổn định thị trường, đặc biệt là đẩy lùi những nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát dịch bệnh, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Cụ thể, các địa phương phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, yêu cầu các cơ sở cải tạo, nâng cấp dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, kiểm soát chặt sản phẩm đầu vào của các cơ sở này, đặc biệt việc giết mổ lợn phải có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), để từng bước xóa các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chợ dân sinh, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm những cơ sở hoạt động không phép theo quy định của Luật Thú y.
Ở góc độ của cơ quan quản lý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao (khoảng 20%) nên hoạt động giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ sẽ càng diễn biến phức tạp. Do vậy, trước mắt, Chi cục sẽ tăng cường công tác quản lý các cơ sở giết mổ tại địa phương và chợ đầu mối. Để từng bước loại trừ cơ sở nhỏ lẻ, nâng tỷ lệ cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát..., thì bên cạnh chính sách hỗ trợ của thành phố, các địa phương cần có giải pháp thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhất là ở các huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn như: Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên... Cùng với đó là nâng cao năng lực mạng lưới thú y cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn theo quy định.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các chủ hộ, trang trại, gia trại đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và chuỗi liên kết chăn nuôi. Các đơn vị chức năng của Sở sẽ phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm ở những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ trong khu dân cư. Đồng thời, có biện pháp phối hợp với các tỉnh, thành phố để trao đổi, chia sẻ thông tin việc xuất nhập gia súc, gia cầm, qua đó góp phần kiểm soát dịch bệnh...
Người tiêu dùng hy vọng, với những giải pháp đã được đưa ra cùng với quyết tâm hành động mới, việc quản lý, giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố sẽ từng bước được siết chặt. Và một điều vô cùng quan trọng khác là chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Bởi lẽ, việc này cũng chính là để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.