(HNMO) - Chiều 9-11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm về thực phẩm, đồ uống Vietfood & Beverage - Propack, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch phối hợp cùng Công ty cổ phần Quảng cáo và hội chợ thương mại (VINEXAD) tổ chức hội thảo chuyên ngành “Kiểm soát tính minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số”.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, trước đây, để chứng minh doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm đạt bất kỳ một tiêu chuẩn nào của Việt Nam hay của bất kỳ một nước nhập khẩu nào, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ dày cộp rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra.
Ngày nay, nhờ các phần mềm kỹ thuật số, mọi quy trình đều được ghi lại trên hệ thống phần mềm truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại. Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng.
Với mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện minh bạch hóa sản phẩm của mình, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã đi tiên phong trong việc xây dựng các tiêu chuẩn minh bạch cơ sở, kết nối các hội viên của hiệp hội, các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước để cùng nhau phát triển một nền nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, chất lượng và an toàn, đồng thời, tạo sự thuận tiện, dễ dàng khi truy xuất thông tin minh bạch cho người tiêu dùng.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích, thảo luận về các giải pháp công nghệ nhằm minh bạch nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của thực phẩm, góp phần giải quyết các vấn nạn của thị trường đang tồn tại hiện nay như thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “đội lốt” Vietgap…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.