Trong hai ngày mùng 2 và 3-3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước dư luận lo ngại về tình hình lạm phát cao tái xuất hiện, Chính phủ đã dành riêng một ngày làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia để làm rõ nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này.
Ngay sau phiên họp kết thúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham gia họp báo để thông tin các nội dung liên quan.
Người dân lựa chọn các sản phẩm bày bán tại siêu thị Intimex. Ảnh: Huyền Linh
"Khả năng xảy ra lạm phát quá 1 con số là không có" - ông Lê Đức Thúy khẳng định như vậy trong cuộc họp báo. So sánh chỉ số tăng giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm từ năm 2003 đến năm nay cho thấy, mức tăng giá 2 tháng đầu năm vừa qua hoàn toàn bình thường, không có đột biến. Cũng theo ông Lê Đức Thúy, nguyên nhân gây tâm lý lo ngại về tái lạm phát cao là vì từ đầu năm đến nay xăng đã 2 lần tăng giá, mức tăng cao hơn mức tăng của giá xăng thế giới, khoảng cách tăng giá lại quá gần nhau, tăng giá điện, tăng giá than bán cho sản xuất điện… Dư âm của các đợt tăng giá này vẫn còn ảnh hưởng tới tình hình giá cả tháng 3. Trong khi đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Một trong những nguyên nhân gây tâm lý hoang mang trong doanh nghiệp và người dân vì công tác tuyên truyền vừa qua không được làm tốt. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ hoàn toàn có khả năng kiểm soát giá cả và tình hình kinh tế hiện nay.
Theo ông Lê Đức Thúy, Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá. Trước hết, việc kiểm soát giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ được tăng cường, không để xảy ra hiện tượng "tát nước theo mưa". Đối với mặt hàng xăng, việc tăng giá như vừa qua không phù hợp, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt hơn để biên độ tăng giá tương ứng với mức tăng giá thế giới, khoảng cách giữa những đợt tăng giá cũng sẽ được xem xét để không quá gần nhau như vừa qua. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ tiếp tục nới lỏng và cho phép vay lãi suất thỏa thuận, đặc biệt là cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, cả trung, dài và ngắn hạn nhằm tạo dựng lãi suất thị trường hợp lý. Tỷ giá hối đoái sẽ được duy trì ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. "Cơ bản sẽ không có điều chỉnh lớn về tỷ giá hối đoái" - ông Lê Đức Thúy nhấn mạnh.
Về vấn đề cho nước ngoài thuê rừng, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chiều 4-3, Chính phủ sẽ họp để đưa ra định hướng xử lý. Trong vấn đề này, Chính phủ sẽ đặc biệt coi trọng quyền lợi của người dân sống trong khu vực rừng liên quan. Về những thắc mắc liên quan đến việc xác định trung tâm hành chính quốc gia, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sáng ngày 3-3, sau khi nghe báo cáo của Bộ Xây dựng, Chính phủ chỉ đạo trước mắt giãn dần trụ sở một số bộ ra ngoại thành, trong đó tại Mỹ Đình sẽ bố trí một số bộ, ngành. Nhưng Mỹ Đình không được hiểu là trung tâm hành chính quốc gia. Hiện nay chưa có điều kiện để xây dựng một trung tâm hành chính quốc gia mới, nên trong Quy hoạch chung Thủ đô sẽ dành một diện tích đất dưới chân núi Ba Vì để sau năm 2030 có điều kiện sẽ xây dựng.
lNgày 3-3 - ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 2, Chính phủ dành nhiều thời gian nghe, cho ý kiến về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày. Trước đó, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ và tư vấn trong nước đã nghe các ý kiến phản biện và 3 lần báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về đồ án quy hoạch.
Toàn bộ nội dung đồ án quy hoạch gồm 5 phần chính, riêng phần 3 - nội dung quy hoạch đề cập đến các vấn đề quan trọng như: Định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển nông thôn; định hướng phát triển hạ tầng xã hội; định hướng hạ tầng kỹ thuật: giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, công trình ngầm, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị...
Trong hơn một năm triển khai nghiên cứu lập đồ án quy hoạch, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Liên danh tư vấn quốc tế PPJ và tư vấn trong nước làm việc với các bộ, ngành liên quan và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các hội nghề nghiệp như: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị, Tổng hội Xây dựng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa... Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định đồ án quy hoạch.
Kết luận về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những cố gắng của Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ và tư vấn trong nước chỉ trong hơn một năm đã hoàn thành đồ án quy hoạch. Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến đóng góp cũng như ý kiến phản biện, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ và tư vấn trong nước tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh những nội dung cụ thể của đồ án quy hoạch; sau đó tiếp tục xin ý kiến đóng góp HĐND thành phố Hà Nội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội để trong tháng 8-2010 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch.