Đại biểu Quốc hội đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ quy định bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế cho phép theo phương thức thương mại điện tử.
Chiều 18-6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Góp ý vào quy định chuỗi nhà thuốc trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều chuỗi nhà thuốc đang hoạt động độc lập, Sở Y tế là nơi cấp phép hoạt động cho từng nhà thuốc trong chuỗi. Cần khuyến khích chuỗi nhà thuốc nhưng cũng cần tạo dư địa cho các nhà thuốc độc lập hoạt động, đồng thời chuỗi nhà thuốc cần có trách nhiệm với cộng đồng tại các vùng sâu, vùng xa…
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần cân nhắc đưa oxy y tế vào điều chỉnh tại Luật Dược. “Tại sao không đưa khí CO2, NO2, Heli vào quản lý trong Luật dù trong tờ trình cho rằng oxy y tế là thuốc còn các khí khác không phải là thuốc. Việc coi oxy y tế là thuốc sẽ khó khăn cho việc mua bán, bảo quản, thực hiện xuất, nhập hàng khi chưa thực hiện được tiêu chuẩn hóa GMP về sản xuất oxy y tế”, đại biểu nói.
Về vấn đề oxy y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nhận định, khí y tế nói chung và oxy y tế nói riêng hiện không có văn bản pháp lý nào quy định quản lý. “Khi xảy ra vấn đề liên quan đến oxy y tế hay có sự cố y khoa thì cơ quan nào chịu trách nhiệm”, đại biểu đặt vấn đề. Bên cạnh đó, nếu quản lý oxy y tế như là thuốc thì không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về thực hành tốt sản xuất thuốc GMP đối với oxy, nên nếu quy định trong luật tức là cơ sở sản xuất phải đáp ứng yêu cầu nêu trên; oxy y tế khi lưu hành phải cấp giấy đăng ký lưu hành như đối với các thuốc khác.
“Từ các lý do trên, tôi đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại Luật này; nhưng để tránh tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế”, đại biểu nói.
Đối với quy định về quảng cáo thuốc, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, hoạt động quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế. “Đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh”, đại biểu nói.
Về tình trạng mua thuốc theo đơn của “thầy thuốc online”, có đơn và nhà thuốc ship đến tận nhà, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: Trên thực tế, rất nhiều nhà thuốc chỉ cần ảnh chụp đơn thuốc là chuyển đến tận nhà, do đó nếu cấm cơ học thì không có giải pháp. “Vì vậy tôi đề nghị cho triển khai nhưng phải quy định rõ, bắt đầu từ chính các nhà thuốc và chính các bệnh viện. Với bệnh nhân ba tháng sau khi ra viện, khi mua thuốc thì quy định những nhà thuốc có hồ sơ bệnh án điện tử có thể chuyển thuốc đến tận nhà cho người dân”, đại biểu nói.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc, bên cạnh đó còn vấn đề khác như thu hồi thuốc…
“Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật có quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này. Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, do vậy cơ sở thương mại điện tử tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn”, đại biểu Đoàn Tiền Giang nói.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị xem xét sửa đổi quy định đối với người có chứng chỉ hành nghề dược được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, thì thời hạn cập nhật kiến thức chuyên môn tính từ ngày Chứng chỉ hành nghề dược có hiệu lực hoặc Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất. Đại biểu cho rằng, Luật Dược 2016 yêu cầu phải có Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn ba năm thì những người có Chứng chỉ hành nghề dược đến năm 2020 đã phải có Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược và ba năm một lần phải cập nhật lại kiến thức chuyên môn về dược.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.