Tài chính

Đề xuất bổ sung thuế GTGT với hàng hóa sàn thương mại điện tử từ nước ngoài

Mai Hữu 17/06/2024 - 18:27

Chiều 17-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

hanoi.jpg
Phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Mai Hữu

Cân nhắc việc áp dụng 5% thuế GTGT với phân bón

Thảo luận về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm việc dự thảo quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón. Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho rằng, trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng giá, nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón chưa hợp lý.

“Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón. Trường hợp cần thiết hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, có thể áp dụng thuế suất 0% với mặt hàng phân bón, do phân bón là nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực”, đại biểu Đoàn Yên Bái nói.

hoangvancuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Mai Hữu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, nếu tăng thuế GTGT lên 5% đối với phân bón nhập khẩu, giá bán sẽ cao hơn mức hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu, nhưng người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất.

“Coi trọng nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng, quy định sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hơn là doanh nghiệp nhập khẩu.

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là vấn đề rất cần cân nhắc vì hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế GTGT sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn.

“Việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần hết sức cân nhắc. Chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn”, đại biểu nói.

phamducan.jpg
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Mai Hữu

Quan tâm thuế suất hàng thương mại điện tử

Đóng góp ý kiến vào các quy định khác trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) lo ngại vấn đề hóa đơn giả. Đại biểu cho rằng, vấn đề hoàn thuế GTGT dẫn đến lợi ích rất lớn nên việc làm giả hóa đơn nhằm hoàn thuế gây thiệt hại rất lớn với hàng nghìn tỷ đồng.

“Cần có giải pháp cụ thể hơn đối với vấn đề này, nếu chỉ quy định như dự thảo Luật sẽ khó đạt được mục tiêu phòng, chống làm giả hóa đơn”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Về quy định thuế suất trong dự thảo Luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đề xuất bổ sung vào phần thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, cung ứng dịch vụ số hóa từ nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam thì phải áp dụng mức thuế suất thuế GTGT như đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu để bảo đảm công bằng với hàng hóa, dịch vụ trong nước, góp phần duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho biết, dự thảo Luật quy định "Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này". Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã coi chi phí ủng hộ địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, chi từ thiện… là chi phí được miễn thuế.

“Trong trường hợp cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nếu phải nộp thuế GTGT cho lượng hàng hóa, dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác, như vậy là bất hợp lý. Do đó, cần được cân nhắc, bổ sung theo hướng hàng hóa, dịch vụ này với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng 0”, đại biểu Dương Văn Phước nói.

nguyenthiyen.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận. Ảnh: Châu Vũ

Tại phiên thảo luận tổ về Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế GTGT, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024.

Cùng ngày, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung thuế GTGT với hàng hóa sàn thương mại điện tử từ nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.