Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chất cấm trong chăn nuôi

Sơn Tùng| 14/03/2018 07:09

(HNM) - Thời gian qua, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi chủ lực xuống thấp nên việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi có phần


Theo Bộ NN&PTNT, qua thanh tra đột xuất tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Thanh tra Bộ đã phát hiện một số doanh nghiệp có bổ sung chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide vào “Bột dinh dưỡng cao đạm” làm thức ăn cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm. Tuy nhiên, việc này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác lại có nguy cơ gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đang yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y, Viện Chăn nuôi đánh giá về ba chất: Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide để có kết luận chính xác về tác hại của chúng và nguy cơ ảnh hưởng đến chăn nuôi an toàn, sức khỏe cộng đồng. Kết quả này cũng sẽ là cơ sở khoa học trong chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trong thức ăn chăn nuôi.

Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2017, tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên... vẫn còn tình trạng người chăn nuôi sử dụng thuốc kháng sinh với tần suất từ 1 đến 3 lần/tháng. Không chỉ thế, người chăn nuôi còn sử dụng vắc xin cho gia cầm quá liều lượng từ 1,5 đến 2 lần so với khuyến cáo. Theo Viện Sức khỏe môi trường và phát triển bền vững (Đại học Y tế công cộng), trong năm 2017, thực hiện một cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu kiến thức, hành vi sử dụng kháng sinh, kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở các hộ chăn nuôi lợn, gà, thủy sản... cho thấy, tại một số địa phương, người chăn nuôi rất thiếu thông tin, thiếu kiến thức sử dụng thuốc kháng sinh. Theo đó, khoảng 50% số hộ sử dụng kháng sinh từ lời khuyên của cán bộ, bác sĩ thú y, người bán thuốc thú y, số còn lại dựa vào kinh nghiệm và thói quen...

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, nhiều năm nay, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn được Nhà nước cho phép nhằm kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này đang làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc. “Đáng quan ngại, tình trạng bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi bừa bãi. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều chế phẩm công nghiệp đi kèm với thức ăn chăn nuôi và thuốc kháng sinh phòng bệnh. Do vậy, việc kiểm soát cần được nâng cao nhằm bảo đảm cho chăn nuôi an toàn, vì sức khỏe cộng đồng” - ông Dương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Năm 2018, đơn vị sẽ tập trung nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, nâng số lượng xử lý các vi phạm lên hơn 10% so với năm 2017. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào xác định nguồn gốc sản phẩm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Lực lượng thú y sử dụng xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh nhằm ngăn chặn các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Hiện đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, tập trung đào tạo cán bộ, công chức thực hiện chức năng về thanh tra chuyên ngành; thực hiện tốt việc lấy mẫu, giám sát dịch bệnh và chức năng quản lý nhà nước tại cơ sở. Đi đôi với công tác thanh - kiểm tra, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để người chăn nuôi không tùy tiện sử dụng các chất cấm, chất hỗ trợ chăn nuôi không rõ nguồn gốc hoặc dùng kháng sinh quá liều, không theo chỉ dẫn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chất cấm trong chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.