(HNM) - TP Hà Nội có 454 chợ các loại, trong đó hầu hết là chợ dân sinh truyền thống, bán lẻ các nhóm hàng thực phẩm tươi sống và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống…
Thống kê sơ bộ, các chợ trên đang cung cấp khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhiều cử tri cho rằng, chính yếu tố tiện lợi, phù hợp thu nhập phần lớn người dân và tự do thỏa thuận về giá cả khiến cho việc kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Tại kỳ họp giữa năm vừa qua, nhiều đại biểu HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố cần phải có các giải pháp kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, chợ tạm trên địa bàn. Trả lời vấn đề này, UBND thành phố thừa nhận, rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa tại các chợ dân sinh, chợ tạm; nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành.
Giải pháp cho vấn đề trên, ngoài biện pháp tuyên truyền, phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND thành phố sẽ chỉ đạo tăng cường hoạt động chuyên ngành và liên ngành trong công tác này. UBND thành phố giao các sở, ngành chức năng tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm ra vào chợ, chú trọng các thực phẩm có nguy cơ cao như nhóm hàng nông sản tươi sống. Đồng thời, giao UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám định các mặt hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ.
Thiết nghĩ, chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành thì công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới có chuyển biến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.