(HNM) - Trong tuần đầu tiên của kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Nội dung đáng quan tâm, theo các đại biểu Quốc hội là cần phải có tổ chức kiểm lâm đủ mạnh, thống nhất trên toàn quốc để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Thái Hiền |
Rừng vẫn bị “chảy máu”
Sau hơn một năm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định đóng cửa rừng, nhưng rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Lâm tặc chặt phá rừng để lấy gỗ, người dân đốt phá rừng để lấy đất trồng trọt… khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái cũng như đời sống.
Tại khu vực Tây Nguyên, thời gian gần đây, lâm tặc hoạt động có tổ chức và sẵn sàng chống trả, gây sức ép cho lực lượng bảo vệ rừng khi bị phát hiện. Điển hình là vụ xô xát nghiêm trọng giữa lực lượng kiểm lâm và lâm tặc tại tiểu khu 687B (thuộc Ban Quản lý rừng Hòa Bắc - Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) tháng 6-2016. Sau khi tổ tuần tra phát hiện, vây bắt được một đối tượng thì bị một nhóm gần 10 người mang theo hung khí và can xăng bao vây, tạo áp lực, yêu cầu thả người.
Cho rằng còn có lỗ hổng trong công tác quản lý, đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh, có nhiều người giàu lên bất thường từ khai thác rừng nghèo và trồng rừng mới. Kể cả khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh “đóng cửa” rừng, tình trạng chặt phá rừng vẫn tràn lan, gây bức xúc. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển đổi mục đích sử dụng và sang nhượng trái phép rừng nhằm trục lợi… Một số địa phương xin chuyển đổi đất rừng tự nhiên dưới danh nghĩa rừng nghèo, rừng tái sinh sang thực hiện các dự án.
Nêu ý kiến về việc phá rừng diễn ra nhiều nơi là do tổ chức và cá nhân thiếu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) dẫn chứng, qua kiểm tra 20 dự án đầu tư tại tỉnh Phú Yên, Thanh tra Chính phủ phát hiện có tới 19 dự án với 1.107ha được lựa chọn để chấp thuận, cho chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đang thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp. Trong 20 dự án này, tỉnh Phú Yên đã có quyết định giao đất, cho thuê đất 16 dự án...
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên còn vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật về quản lý đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng khi ban hành “cơ chế đặc thù” cho phép vừa triển khai thực hiện, vừa hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… Vì vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, luật phải quy định chặt chẽ điều này, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải xin ý kiến nhân dân và các nhà khoa học.
Khẳng định phải siết chặt quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đại biểu Đặng Minh Châu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng… đều có nguyên nhân từ việc phá rừng. Rừng không chỉ là tài nguyên mà còn tạo cảnh quan cho địa phương, vì thế cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tránh lạm dụng quyền lực
Nêu ý kiến về công tác quản lý, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, lực lượng kiểm lâm vừa trực tiếp bảo vệ rừng, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ rừng, trong đó có thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng. Việc quy định như vậy, không khác gì giao cho kiểm lâm chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cơ chế này hiện bộc lộ nhiều bất cập, vì trên thực tế có những trường hợp cán bộ kiểm lâm thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Nếu lực lượng kiểm lâm cùng lúc làm hai chức năng, sẽ không có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu. Do vậy, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát khoa học, tránh lạm dụng quyền lực, không giao chức năng quản lý trực tiếp và thanh tra, kiểm tra cho một đơn vị.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, dự thảo luật chưa phân định rõ về quản lý nhà nước đối với lực lượng kiểm lâm. Theo các quy định trong hệ thống pháp luật thì kiểm lâm là lực lượng chuyên trách nòng cốt để bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng có quyền kiểm tra thi hành pháp luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra vụ án hình sự, tạm giữ phương tiện, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ… Do vậy, để khẳng định vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, dự thảo luật sửa đổi cần dành chương riêng hoặc một mục quy định về vấn đề này.
Trước tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng phức tạp, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thiết phải có tổ chức kiểm lâm đủ mạnh, thống nhất trên toàn quốc để thực thi hiệu quả công tác quản lý. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tổ chức này cần được tiếp tục quy định trong luật để làm căn cứ cho Chính phủ triển khai, tổ chức thực hiện. Tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ của kiểm lâm, tổ chức kiểm lâm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong từng thời kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.