(HNM) - Thời gian qua, tình hình tội phạm ngày càng có diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, thời gian qua, cơ quan công an (CA) các cấp đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Song, qua thực tiễn có thể thấy, nhiều dạng thức mới của tội phạm hình sự liên quan đến sự chuyển biến xã hội đã vượt qua tầm kiềm tỏa của các cơ quan thực thi pháp luật, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và rộng hơn là của cả xã hội.
Lực lượng 141 (Công an TP Hà Nội) tuần tra, bảo đảm an ninh, trật tự. Ảnh: Ngân Hạ |
Nhìn lại 5 năm qua, Bộ CA đánh giá, trong công tác phòng chống tội phạm, thành tựu rất đáng ghi nhận là tội phạm nói chung, tội phạm hình sự nói riêng được kiềm chế, tỷ lệ điều tra khám phá luôn đạt cao. Nhưng bên cạnh đó, một thực tế khác là tội phạm ngày càng khó lường về mặt thủ đoạn, tình trạng tội phạm trẻ hóa, phạm tội do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng. Nguyên nhân rất dễ nhận ra là do kinh tế dù phát triển nhưng còn nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều "mặt trái", đạo đức xã hội - gia đình có dấu hiệu suy thoái ở một bộ phận xã hội, công tác quản lý có lúc, có nơi lỏng lẻo. Trong khi đó, phần đông trong xã hội chỉ biết "lo lắng", "bức xúc"… mà chưa thực sự thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng ngừa, đấu tranh… Do đó mà một số loại tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, cứ chặn chỗ này thì tràn ra chỗ khác, đồng thời tính chất ngày càng manh động.
Năm 2015, một số vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khiến cho 2 từ "thảm sát" trở thành nỗi ám ảnh. Các vụ án hình sự đối tượng sử dụng vũ khí nóng ngày càng gia tăng. Số vụ việc gây mất ANTT do đối tượng bị ảo giác khi sử dụng ma túy tổng hợp lên đến hàng trăm vụ, trong đó có những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng cả về mặt hình sự lẫn xã hội.
Sau mỗi vụ án nghiêm trọng, hung thủ nhận mức án thích đáng, nhưng như Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nhận xét, để ngăn chặn, loại bỏ ra khỏi xã hội hành vi phạm tội, giải quyết được cơ bản tình hình, vấn đề là không chỉ có xét xử. Về cơ bản, gốc của vấn đề là cần tạo ra nhiều công ăn việc làm, đồng thời phải coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội; tăng cường sự phối hợp giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho giới trẻ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; đẩy mạnh và có biện pháp đồng bộ trong quản lý nhà nước trên các mặt đời sống xã hội, nhất là về internet, phim ảnh, các hoạt động kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn. Đồng thời, song song với đấu tranh phòng ngừa và xử lý các tội phạm hình sự, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ.
Cùng quan điểm về việc mở rộng vai trò xã hội trong phòng ngừa tội phạm, tệ nạn, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ CA, Trưởng ban Chỉ đạo "Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)" trung ương cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục duy trì xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền về sự phối hợp giữa lực lượng CA và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Các cơ quan chức năng cần giới thiệu nhiều và sinh động về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương tập thể, cá nhân điển hình để người dân hiểu, đồng tình và ủng hộ, góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội… Chỉ khi có sự vào cuộc của cả xã hội, "phòng ngừa xã hội" mới đạt hiệu quả sâu và bền vững, góp phần đẩy lùi các biểu hiện xuống cấp đạo đức, từ đó giảm các hành vi vi phạm pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.