Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiềm chế lạm phát là yêu cầu cấp thiết

Hồng Sơn| 18/09/2017 07:15

(HNM) - Càng gần cuối năm, việc kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) càng trở nên cấp bách. Đây là bài toán không đơn giản, đòi hỏi sự chủ động, tính toán và xử lý có hiệu quả để hướng đến những mục tiêu đã đặt ra.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát và bình ổn giá. Ảnh: Thái Hiền


Diễn biến CPI từ đầu năm đến nay như một bức tranh nhiều màu. Thực tế cho thấy, một số yếu tố, nhóm hàng chủ yếu cấu thành nên CPI đã tác động liên tục và đóng góp tỷ trọng lớn, quyết định mức tăng CPI nói chung. Đơn cử CPI tháng 8 đã tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Như dự báo, giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng theo lộ trình và tăng tới 2,86% so với tháng trước. Đây không phải là việc bất ngờ nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả CPI.

Nhóm giao thông cũng tăng cao do giá nhiên liệu tăng. Trong 2 tháng qua, giá xăng dầu đều tăng và chưa có dấu hiệu giảm nếu xét theo bối cảnh chung của tình hình thế giới. Nếu tiếp tục tăng, đây sẽ là diễn biến bất khả kháng vì hơn 70% tổng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chỉ số nhóm hàng thực phẩm cũng tăng đáng kể do giá thịt lợn tăng trở lại. Từ đó, các mặt hàng chế biến từ thịt lợn đã đồng loạt tăng trên diện rộng. Ngoài ra, các nhóm du lịch, vật liệu xây dựng và may mặc cũng tăng lên do thời điểm chuẩn bị kết thúc mùa hè, phục vụ năm học mới.

Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn thiếu nhiều yếu tố, căn cứ đầu vào để đưa ra dự báo “chốt” về kết quả CPI cả năm 2017. Tuy nhiên, đây vẫn là công tác thường xuyên, đòi hỏi sự tỉnh táo và tinh thần quyết tâm, nghiêm túc từ phía cơ quan chức năng.

Trước hết, Chính phủ hạ quyết tâm tập trung kiềm chế lạm phát bằng cách nâng cao hiệu quả điều hành, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát tốc độ tăng CPI. Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cùng tập trung theo dõi thực tế, kịp thời phát hiện và xử lý những biểu hiện bất thường để chủ động giải quyết.

Trong khi đó, theo thông lệ, nhu cầu và sức mua của thị trường luôn tăng mạnh khi bước vào quý IV, nhất là thời điểm giáp Tết Dương lịch. Đây sẽ là nguyên nhân đẩy CPI tăng. Do đó, cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, tập trung vào hoạt động quản lý thị trường.

Một ẩn số nữa cũng cần được chủ động “giải mã” càng sớm càng tốt. Cụ thể, dịp khai giảng năm học mới vừa qua cũng dẫn đến chỉ số nhóm giáo dục tiếp tục tăng lên. Tiếp theo, giá nhiên liệu thế giới sẽ diễn ra như thế nào vẫn luôn là câu hỏi mang tính cảnh báo hơn là dự báo.

Chính phủ khẳng định, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát gắn liền với an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong công tác điều hành vĩ mô. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các đơn vị trao đổi hàng hóa, tự giác sử dụng sản phẩm của nhau; nhất là tập trung thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để bình ổn giá.

Như vậy, quý IV sẽ quyết định kết quả chung cuộc CPI năm 2017 trong bối cảnh tình hình còn tiềm ẩn không ít bất lợi, vấn đề mới có thể nảy sinh. Chỉ có điều, dư địa, thời gian không còn nhiều bởi chỉ tiêu lạm phát đã được xác định từ đầu năm là CPI tăng không quá 4%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiềm chế lạm phát là yêu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.