(HNM) - Với mục tiêu khuyến khích người dân
Động thái trên được BOK đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng này một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của xứ Kim chi trong năm 2015 từ mức 3,4% xuống còn 3,1%. Đây là lần thứ hai liên tiếp, BOK đưa ra quyết định vào tháng 1 vừa qua, mức tăng trưởng năm 2015 ước tính chỉ đạt 3,4% thay vì 3,9% như công bố trước đó. Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát dự kiến năm 2015 cũng được BOK điều chỉnh từ 1,9% xuống còn 0,9%. Trong phiên họp gần đây nhất, Thống đốc BOK Lee Ju-yeol khẳng định rằng, nợ của hộ gia đình tăng lên nhanh chóng là nhân tố quan trọng khiến BOK quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 2%. Lý giải cho quyết định cắt giảm lãi suất vừa đưa ra, BOK cho rằng "sự chuyển động chậm chạp" của nhu cầu nội địa đã khiến cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc trở nên chậm hơn dự kiến. Đây là lý do quan trọng khiến BOK phải hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Một số nhà phân tích nhận định: Động thái bất ngờ trên của BOK là bước đi cần thiết trước những lo ngại về triển vọng xuất khẩu và lạm phát thấp của nền kinh tế nước này. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vừa qua của Hàn Quốc chỉ tăng 0,5%, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số này ở dưới mức 1% và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 7-1999 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tới 50% cho GDP của kinh tế Hàn Quốc, đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Động thái trên của BOK diễn ra trong xu thế chung khi các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tiếp tục hạ lãi suất và triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Giới chuyên gia dự báo đây có thể là tín hiệu cho thấy BOK sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, trong 4 năm liên tiếp vừa qua kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng chậm hơn so với mức trung bình của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Theo báo cáo trên, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm hơn mức trung bình của G20 kể từ năm 2011. Trong các năm từ 2011 đến 2014, tăng trưởng GDP của Hàn Quốc lần lượt là 3,7%, 2,4%, 3% và 3,3%, trong khi của Nhóm G20 là 4,1%, 3%, 3,2% và 3,4%. Các nhà kinh tế lo ngại tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á có thể tiếp diễn trong năm 2015.
Trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc vẫn mắc kẹt trong tình trạng nhu cầu nội địa yếu, trong khi tăng trưởng của bạn hàng lớn như Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác chậm lại, chính phủ nước này mới đây đã công bố kế hoạch khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư thêm vào các dự án hạ tầng cơ sở nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch đã được nhất trí tại một cuộc họp của các bộ trưởng liên quan đến kinh tế, tập trung vào việc giảm rủi ro gắn liền với việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hướng tới duy trì đà tăng trưởng hiện nay. Theo đó chính phủ nước này cho phép khu vực tư nhân tận dụng những phân khúc đầu tư mà chính phủ bỏ qua do thiếu tiền. Kế hoạch này sẽ tạo điều kiện cho các công ty đang phải tìm kiếm đầu ra cho khoản vốn dư thừa, cấp tiền cho các nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở có thể mang lại lợi nhuận cho tất cả các bên, góp phần phục hồi nền kinh tế bằng cách tạo đầu ra an toàn cho các khoản tiền nhàn rỗi và thu hút mọi nguồn lực của đất nước.
Cảnh báo mới đây từ Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong dài hạn cùng hàng loạt thách thức lớn bất chấp các rủi ro về kinh tế vĩ mô đã giảm. Trong bối cảnh đó, mỗi nước đều tự tìm cho mình hướng đi phù hợp để vực dậy nền kinh tế trong nước. Với các biện pháp trên, trong đó có quyết định giảm lãi suất của BOK, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.