Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thanh Hiền| 05/12/2021 06:14

(HNM) - Để kích cầu tiêu dùng, tạo "đòn bẩy" tăng trưởng kinh tế Thủ đô những tháng cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội triển khai các chương trình khuyến mại, tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi, gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan để làm rõ về lợi ích mà chương trình mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Lượng mua sắm trực tuyến tăng mạnh

- Chương trình “Hà Nội đêm không ngủ” khuyến mại theo tỷ lệ tăng dần tới 100% với 4 khung giờ khác nhau đã thu hút đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng. Xin bà cho biết kết quả của chương trình này?

- Với chủ đề “Đại tiệc mua sắm, càng khuya càng giảm”, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale”, từ 17h ngày 26 đến 2h ngày 27-11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Nhiều chương trình giảm giá, kích cầu đặc biệt lên tới 100% đã được các doanh nghiệp đồng loạt triển khai bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo cú hích cho thị trường nội địa cuối năm. Theo đó, lượng khách đến các cửa hàng mua sắm trước 22h ngày 26-11 tăng từ 140% đến trên 200% so với các ngày trước đó.

Đặc biệt, thành công của chương trình năm nay là doanh thu tăng, nhưng lượng khách lại không tập trung đông, mà nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Lượng truy cập ứng dụng bán hàng trực tuyến của người tiêu dùng theo ghi nhận của các doanh nghiệp tăng từ 150% đến hơn 300% so với các ngày bình thường. Tổng lượng truy cập vào website của các đơn vị tham gia sự kiện trong ngày 26-11 đạt gần 10 triệu lượt. Riêng khung giờ giảm giá sâu nhất sau 22h ngày 26-11 chỉ áp dụng trên hệ thống bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử đạt gần 5 triệu lượt người truy cập.

- Vậy hiệu quả của chương trình đối với doanh nghiệp như thế nào, thưa bà?

- Các doanh nghiệp tăng lượng hàng bán ra, tăng doanh thu trong những tháng cuối năm. Điển hình, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Big C Thăng Long ghi nhận mức tăng khoảng 220% về doanh thu. Hệ thống Aeon mall Hà Đông và Long Biên ghi nhận doanh thu cũng như lượng khách tăng gần 200% so với các ngày trong tuần; lượng truy cập website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần, đạt gần 500.000 lượt truy cập. Hệ thống siêu thị BRG mart ghi nhận mức tăng hơn 150% về doanh thu và lượng khách tham quan tại các siêu thị thuộc hệ thống so với các ngày trong tuần; web site BRGshopping ghi nhận gần 200.000 lượt truy cập mua sắm, tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Sàn thương mại điện tử Shopee ghi nhận hơn 3,7 triệu lượt truy cập, tăng 180%. Hệ thống siêu thị điện máy Mediamart cũng ghi nhận mức doanh thu và lượng khách tăng 140%, lượng truy cập website đạt gần 300.000 lượt tăng 220%…

- Bà đánh giá thế nào về việc các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình khuyến mại?

- Khi chúng tôi triển khai chương trình, doanh nghiệp đã phối hợp rất chặt chẽ, chủ động đăng ký các chương trình khuyến mại, đồng thời chuẩn bị những sản phẩm, hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm, như thời trang, thiết bị điện máy, đồ gia dụng, hàng thực phẩm thiết yếu… Đặc biệt, các siêu thị lớn như AEONMALL, Big C, Co.opmart, BRGmart/Hapromart đã nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm thiết yếu để đưa ra chương trình đồng giá, giảm giá sâu trong các khung giờ khuyến mại.

Qua khảo sát trực tiếp, các doanh nghiệp, đơn vị đều chấp hành nghiêm túc theo nội dung đã đăng ký với Sở Công Thương. Các sản phẩm khuyến mại đều có uy tín, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm, hàng hóa đều được công khai tỷ lệ khuyến mại để người tiêu dùng theo dõi, so sánh và mua sắm.

Cũng cần nói thêm là các đơn vị đều tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19, chỉ bán hàng trực tiếp đến 22h. Từ 22h ngày 26 đến 2h ngày 27-11, các chương trình giảm giá đến 100% thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng

- “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale” được tổ chức gắn với sự kiện Black Friday nhằm tạo đột phá cho lĩnh vực thương mại của thành phố. Thông qua sự kiện này, ngành Công Thương kỳ vọng gì, thưa bà?

- Chúng tôi kỳ vọng sự kiện này kết hợp với ngày Black Friday và các sự kiện khác trong chương trình Tháng khuyến mại tập trung của Hà Nội, sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế đêm, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng không chỉ vào ban ngày, mà còn vào cả ban đêm. Đồng thời, gắn mua sắm với sử dụng các dịch vụ khác, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

- Sau Tháng khuyến mại tập trung, thành phố Hà Nội sẽ triển khai những chương trình kích cầu tiêu dùng gì, thưa bà?

- Trong tháng 12-2021, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội 2021 với các sự kiện đáng chú ý như: Ngày hội kích cầu, Ngày vàng khuyến mại, Tuần lễ vàng khuyến mại trực tuyến, với quy mô 1.000 điểm bán hàng khuyến mại và 50 “điểm vàng” khuyến mại là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Qua đó mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm hàng chục nghìn sản phẩm giảm giá lên tới 100% của tất cả các nhóm, ngành hàng, dịch vụ trên toàn địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại... Cụ thể như: Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố trên địa bàn Hà Nội; Tuần hàng Việt Nam; Hội chợ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích; các phiên chợ hàng Việt tại ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất; Hội chợ quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ; Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao; Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) Hà Nội; hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước...

Đồng thời, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.

- Sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, sức mua của thị trường nội địa giảm sút chưa từng thấy. Vậy những sự kiện kích cầu có tác động thế nào đến nền kinh tế, thưa bà?

- Dịch Covid-19 tác động lớn đến thu nhập của người tiêu dùng khiến sức mua giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong tháng 11-2021, Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhờ đó, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... dần mở cửa trở lại sau thời gian dài hạn chế và tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, doanh thu thương mại, dịch vụ tháng 11-2021 phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2021 ước tính đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 10,1%. Việc triển khai các chương trình kích cầu nội địa thời gian tới sẽ tiếp tục góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm. Thông qua chương trình, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm các sản phẩm chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với mức giảm giá sâu. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, đồng thời phải có ý thức sản xuất hàng chất lượng cao.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.