(HNM) - “Có bột mới gột nên hồ”, kịch bản hay là yếu tố tiên quyết để nhào nặn, dàn dựng nên tác phẩm sân khấu hấp dẫn, có giá trị. Nhưng thực tế, nhiều tác giả phải “cất” kịch bản vào “ngăn kéo”, còn các đơn vị nghệ thuật vẫn mòn mỏi tìm kiếm kịch bản phù hợp để dàn dựng. Do đó người sáng tác và người thực hiện cần những cái "bắt tay" để cộng hưởng thành tác phẩm sân khấu hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
“Cung” chưa gặp “cầu”
Cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức một cuộc tọa đàm giới thiệu tác phẩm kịch bản được Hội hỗ trợ kinh phí sáng tạo tới đông đảo các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, đại diện các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Có 17 kịch bản nằm trong danh sách hỗ trợ từ năm 2021 được trình bày, trong đó có 1 kịch bản tuồng, 1 kịch bản múa rối, 2 kịch bản chèo và 13 kịch bản kịch nói. Các kịch bản này đều đã được thẩm định chất lượng, có nội dung đa dạng, tôn vinh những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống, ca ngợi các anh hùng dân tộc; phê phán những thói hư, tật xấu; phản ánh hiện thực cuộc sống, đồng thời truyền tải những thông điệp nhân văn.
Có thể kể đến các kịch bản về đề tài lịch sử, dân gian như “Bi kịch một vị vua” (Hoàng Thanh Du), “Vụ án tình si” (Nguyễn Thị Minh Nguyệt); đề tài chiến tranh cách mạng như “Khát vọng thiên chức” (Đường Minh Giang), “Kẻ thù nguy hiểm” (Phạm Hữu Huề); đề tài hiện đại có kịch bản “Lâu đài lửa” (Trần Trí Trắc), “Sám hối” (Nhật Linh), “Ấu trùng đen” (An Ninh)…
PGS.TS Trần Trí Trắc, tác giả kịch bản “Lâu đài lửa” chia sẻ, từ khi bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, bao “làn gió” mới ùa vào, đưa đất nước phát triển nhiều mặt. Song cũng có những “làn gió độc” kéo theo tệ nạn, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Trước thực trạng này, ông đã viết vở kịch phơi bày những thói hư, tật xấu, những chuyện đau lòng để phần nào cảnh tỉnh người xem…
Hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đều tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu, quy tụ hàng chục người viết cả nước có những đề cương tốt để tạo điều kiện cho họ tập trung sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm. Khép lại năm 2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao giải thưởng cho các kịch bản xuất sắc, tuy nhiên, không phải kịch bản nào cũng được dàn dựng. Nguyên nhân là do “cung” chưa gặp “cầu”.
Về vấn đề trên, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, nguồn kịch bản từ tác giả gửi đến lớn nhưng lại chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, nhà hát yêu cầu kịch bản đề tài lịch sử cần có nội dung chuẩn xác, cách tiếp cận mới mẻ, đậm chất nhân văn. Còn kịch bản đề tài hiện đại, nhà hát cần tác phẩm đi trực diện vào vấn đề “nóng bỏng” của xã hội hiện đại, nhưng cách tiếp cận không được trần trụi mà phải “chắp thêm đôi cánh” của sự lãng mạn, lạc quan…
Tăng gặp gỡ, tạo cộng hưởng
Nhận định về tình hình sáng tác kịch bản sân khấu hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, sân khấu có ít vở diễn hay bởi vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Để hoàn thành định mức và an toàn, các đơn vị nghệ thuật chấp nhận dàn dựng lại những kịch bản cũ, thậm chí sử dụng những kịch bản đã dàn dựng cách đây hàng chục năm. Đội ngũ sáng tác sân khấu thiếu nhiều yếu tố để tạo nên một tác giả thành danh, đặc biệt là phương pháp, kỹ năng và thủ pháp nghệ thuật biên kịch phù hợp với nhu cầu của các nhà hát hiện nay.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Trần Trí Trắc chỉ ra, sân khấu hiện nay quá hoài cổ, thiếu kịch bản về hiện thực đất nước nên rất khó có thể có tác phẩm sân khấu xứng tầm như kỳ vọng. Bởi những tác phẩm sân khấu mẫu mực, kinh điển đều phản ánh đề tài đương thời của cha ông. Sân khấu cách mạng phát triển cũng bắt nguồn từ hiện thực sinh động của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc…
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, muốn có tác phẩm hay, trước hết, chính các tác giả phải trau dồi vốn sống, kiến thức, tham gia tích cực vào hiện thực đời sống để chuyển hóa vào tác phẩm; đồng thời, mạnh dạn bước vào các cuộc thi, sân chơi về kịch bản để có điều kiện cọ xát, được góp ý nâng cao chất lượng kịch bản.
Ở góc độ khác, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, lâu nay sự cộng tác giữa các tác giả và nhà hát thường mang tính cá nhân. Tác giả tự chào mời kịch bản đến các đơn vị nghệ thuật, còn các nhà hát thì đặt hàng hoặc chọn tác giả quen thuộc. Kịch bản của tác giả mới, tác giả trẻ nếu không có người, tổ chức uy tín giới thiệu thì dù có hay, sáng tạo, hấp dẫn cũng ít đơn vị mạo hiểm chọn lựa dàn dựng.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, Hội sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc tọa đàm giới thiệu kịch bản chất lượng của hội viên với mong muốn sẽ có nhiều kịch bản được các đơn vị nghệ thuật biết đến và dàn dựng; hoặc có sự gặp gỡ về ý tưởng giữa các tác giả, đạo diễn, nhà hát để tiến tới cộng tác, phát triển thành tác phẩm sân khấu. Bên cạnh đó, Hội duy trì các trại sáng tác, thực hiện hỗ trợ sáng tác, giúp tác giả nâng cao chất lượng tác phẩm, đồng thời phát huy vai trò là cầu nối đưa kịch bản của hội viên đến với các đơn vị nghệ thuật phù hợp, từ đó góp phần phát triển sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.