Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến mại thực, chất lượng thực

Gia Khánh| 26/11/2022 06:54

(HNM) - Thành thông lệ, dịp cuối năm, chương trình khuyến mại tập trung lại được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp có thể đưa ra mức khuyến mại lên tới 100% cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác dành cho người tiêu dùng. Tại Hà Nội, hàng loạt sự kiện khuyến mại được thành phố và các doanh nghiệp kích hoạt mang đến trải nghiệm mới, cũng như giúp người tiêu dùng chọn lựa, mua sắm hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý.

Thực tế, hoạt động khuyến mại thời gian gần đây được các doanh nghiệp triển khai quanh năm, góp phần kích cầu mua sắm, khơi thông thị trường trong nước, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.

Với sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 đã thu hút hơn 27.450 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia thu hút hơn 56.410 chương trình khuyến mại, đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 458,5 nghìn tỷ đồng. Trong Tháng khuyến mại tập trung năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi năm 2021.

Từ kết quả trên cho thấy, hoạt động khuyến mại ngày càng được tổ chức quy củ, nền nếp, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cũng còn không ít phàn nàn từ phía người tiêu dùng, như: Khuyến mại chưa thực chất, chất lượng hàng không như quảng cáo, chính sách sau bán hàng không được bảo đảm, hàng nhái nhãn mác được trà trộn đưa vào lưu thông… Vì thế, yêu cầu được đặt ra là không chỉ phát động nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia, mà cần giám sát, kiểm soát hoạt động khuyến mại, chất lượng hàng hóa cũng như xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng nhái.

Để làm được điều đó, trước hết mỗi doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về khuyến mại, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng. Các doanh nghiệp cần xác định đây là dịp đẩy mạnh tiêu thụ thông qua chất lượng sản phẩm và chính sách ưu đãi thực chất dành cho người tiêu dùng để hướng tới mục tiêu lâu dài là khẳng định thương hiệu và phát triển bền vững trên thị trường trong nước.

Về phía cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát để giữ ổn định thị trường là hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, trong các sự kiện khuyến mại, hoạt động này cần phải tăng cường hơn, bởi phạm vi chương trình khuyến mại rộng, diễn ra trên mọi lĩnh vực, ngành hàng, mức khuyến mại lên tới 100% thay vì giới hạn ở mức 50%. Thông qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, lợi dụng khuyến mại tuồn hàng giả, hàng lậu vào lưu thông, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng… Có như vậy, chương trình khuyến mại mới bảo đảm đúng thực chất, phát huy hiệu quả kích cầu tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía người tiêu dùng, cần sáng suốt lựa chọn chương trình phù hợp để trải nghiệm tốt nhất và hiệu quả nhất các chính sách khuyến mại. Cùng với đó, kiểm tra kỹ chính sách, chất lượng hàng hóa khuyến mại; phản ánh ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, hàng kém chất lượng, điểm kinh doanh khuyến mại không thực chất. Đặc biệt, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng là cách người tiêu dùng chung tay phát huy hiệu quả của Tháng khuyến mại tập trung nói riêng và hoạt động khuyến mại nói chung, qua đó góp phần phát triển thị trường lành mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến mại thực, chất lượng thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.