Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích phát triển cơ sở đầu tư quy mô, bài bản

Thống Nhất| 18/10/2015 06:40

(HNM) - Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ tại các nhóm lớp mầm non (MN) từ đầu tháng 10 đến nay một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về công tác quản lý cũng như chất lượng của các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập.

1/5 trẻ gửi tại cơ sở ngoài công lập

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến cuối năm học 2014-2015, quy mô giáo dục MN của Hà Nội đã phát triển khá mạnh với 969 trường MN, trong đó có 250 trường MN ngoài công lập và hơn 1.500 nhóm lớp. So với năm học trước, số trường MN tăng 19 cơ sở, số nhóm lớp cũng tăng vài trăm. Tổng số trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục MN trên địa bàn thành phố là gần 500 nghìn trẻ và khoảng 1/5 trong số này được gửi tại các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Rõ ràng, hệ thống trường lớp MN ngoài công lập đã góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ hiện nay.

Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT cũng cho thấy, tỷ lệ được cấp phép hoạt động đối với các nhóm lớp MN ngoài công lập dù đã tăng nhiều so với vài ba năm trước, song vẫn còn khoảng 5% số nhóm lớp đang hoạt động chưa có giấy phép. Dù con số này không quá lớn song trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt cho trẻ thực sự là một thách thức đối với các cấp quản lý cũng như chính quyền địa phương.

Dạy trẻ làm quen với thực phẩm tại Trường Mầm non tư thục Tương Lai. Ảnh: Bảo Lâm


Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: việc tăng cường quản lý MN ngoài công lập luôn được Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhiều năm nay nhằm tạo sự an toàn và bảo đảm công bằng cho trẻ tại các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Tuy nhiên, quản lý số lượng trường, nhóm lớp MN lớn như vậy không đơn giản. Từ thực tiễn những năm qua, Hà Nội chọn giải pháp quản lý hậu kiểm, tức là đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục MN sau khi được cấp phép. Hà Nội cũng là một trong số ít các địa phương đã xây dựng, triển khai quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với ngành Giáo dục đối với công tác quản lý các trường, nhóm lớp MN ngoài công lập trên địa bàn, trong đó phân định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục. Hiệu trưởng các trường MN công lập cũng được phân công hỗ trợ nhóm lớp cùng địa bàn.

Ý kiến của các phòng GD-ĐT cho rằng, một trong những khó khăn đối với công tác quản lý MN ngoài công lập hiện nay là định biên ở các đơn vị quá hạn chế. Mặc dù các quận, huyện, thị xã có cán bộ chuyên trách theo dõi lĩnh vực này, song với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống MN ngoài công lập hiện nay thì việc quản lý không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả mong muốn, nhất là ở những nơi quy mô giáo dục MN ngoài công lập phát triển đến con số hàng trăm cơ sở như Tây Hồ, Ba Đình, Hà Đông, Cầu Giấy…

Hạn chế phát triển nhóm lớp

Theo bà Hoàng Thanh Hương, sự việc bạo hành trẻ xảy ra tại một số cơ sở giáo dục MN ngoài công lập của Hà Nội gây bức xúc dư luận đã được xử lý nghiêm khắc và đây chỉ là trường hợp cá biệt. Quan điểm của ngành Giáo dục Hà Nội là không chấp nhận bất kỳ cá nhân nào có hành vi xâm phạm thân thể trẻ và chủ nhóm lớp cũng phải liên đới trách nhiệm.

Cũng qua sự việc này, các cấp quản lý cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm và những vấn đề tiếp tục cần chấn chỉnh, không chỉ nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự, mà quan trọng hơn là thúc đẩy sự phát triển của loại hình MN ngoài công lập đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Một trong những mục tiêu, cũng là giải pháp của Hà Nội là chú trọng phát triển loại hình trường, hạn chế sự hình thành nhóm lớp MN ngoài công lập, bởi các điều kiện để thành lập trường (về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên) có yêu cầu cao hơn nhiều so với các nhóm lớp. Mục đích của chủ trương này nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ ngơi khang trang, đúng chuẩn, tạo môi trường tốt nhất cho việc nuôi dạy trẻ.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Hoàng Thanh Hương cho biết, trong năm nay, Hà Nội sẽ tổng kết đề án phát triển giáo dục MN giai đoạn 2010-2015 và xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020. Căn cứ kết quả triển khai đề án và yêu cầu từ thực tiễn, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND thành phố nâng chỉ tiêu huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ ra lớp lên khoảng 60%, cao gần gấp đôi so với hiện nay. Kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo cũng sẽ chú trọng tới việc mở rộng mạng lưới trường lớp MN, nâng chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia lên khoảng 70%, đồng thời phát triển đa dạng loại hình trường (cả công lập và ngoài công lập).

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng GD-ĐT và nhà trường chấn chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ cấp học, yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Tinh thần chỉ đạo đối với việc xử lý các sai phạm quy định đạo đức nghề nghiệp của ngành là nghiêm khắc để tránh những hành vi tương tự. Các đơn vị có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giải quyết triệt để, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín, danh dự nhà giáo, bảo đảm sự an toàn, công bằng cho trẻ. Các đơn vị cần chú trọng việc nâng cao nhận thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, lương tâm nghề nghiệp trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các chủ trường, chủ nhóm, lớp và đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích phát triển cơ sở đầu tư quy mô, bài bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.