Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích người dân dùng định danh điện tử

Việt Nga| 26/03/2022 07:23

(HNM) - Ứng dụng định danh và xác thực điện tử đã được sử dụng nhiều trong các giao dịch chứng khoán, ngân hàng, viễn thông và thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp dẫn đến yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin từ hoạt động hằng ngày của người dân cũng như công tác quản lý nhà nước thì định danh công dân trên môi trường điện tử đặc biệt cần thiết.

Các cơ quan chức năng xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Theo đánh giá của Bộ Công an, việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng. Thêm nữa, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân là nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự, an toàn xã hội… Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Từ ngày 1-7-2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được đưa vào sử dụng, cùng với đó các cơ sở dữ liệu khác được triển khai. Đó là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử.

Hiện các nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh để lưu trữ danh tính, xác thực người dùng của người dân (gồm các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam…). Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Ngô Diên Hy, Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện nền tảng định danh số quốc gia phục vụ phát triển kinh tế. Các chính sách, nghị định cho phép số hóa thủ tục hành chính trên môi trường mạng của Chính phủ thời gian qua đã tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ công, góp phần giúp nhu cầu và thị trường định danh số bùng nổ ở Việt Nam.

Hiện, Bộ Công an là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử và đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện trình Chính phủ. Cũng theo Bộ Công an, có 5 lợi ích khi người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử. Trong đó, phải kể đến khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ có thông tin ở các biểu mẫu đăng ký, nên người dân không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần. Người dân được sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ khác, như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện các giao dịch tài chính trong thanh toán... Đặc biệt, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử là tuyệt đối...

Vừa qua, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia cũng đã ban hành Kế hoạch hành động trong năm 2022 với 18 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, xác định nhiệm vụ phổ cập danh tính điện tử toàn dân do Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương phối hợp xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có từ 15 đến 20% người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử. Đây sẽ là nội dung đáng chú ý để thúc đẩy phát triển ứng dụng định danh điện tử trong thời gian tới, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích người dân dùng định danh điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.