Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dạy nghề

Kim Vũ| 30/05/2013 06:25

(HNM) - Tìm cơ chế cho xã hội hóa dạy nghề đã khó, việc đưa ra những quy định cụ thể trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề lại càng khó khăn. Tổng cục Dạy nghề đã nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan liên quan nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp.


Học sửa chữa điện lạnh tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân. Ảnh: Lê Tuấn


Hiện có khoảng 30% công nhân ra trường không thể tìm được việc làm đúng chuyên môn, trong khi các doanh nghiệp rất khan hiếm lao động có tay nghề. Điều này cho thấy, cần có sự thay đổi rõ nét trong công tác quản lý nghề, đào tạo nghề. Việc xã hội hóa công tác dạy nghề với những cơ chế, quy định cụ thể hơn, được thực hiện chặt chẽ sẽ cho "ra lò" những lao động có chất lượng thực sự. Những quy định được đánh giá là mở rộng nhất chính là các cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia mở các lớp đào tạo nghề sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Học viên có nhiều cơ hội để thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất.

Nhìn lại chính sách, cơ chế về thực hiện xã hội hóa dạy nghề trong thời gian qua, Tổng cục Dạy nghề cho biết, hiện đã có Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 7-6-2005 phê duyệt Đề án "Phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010"... Tuy nhiên, những chính sách này còn nhiều vướng mắc gây tranh cãi. Cụ thể việc thực hiện phân luồng giáo dục còn nhiều điểm đáng bàn. Giai đoạn 1993-2001, các cơ sở đào tạo nghề tiếp nhận các học sinh tốt nghiệp THCS, tuy nhiên đến năm 1998, Luật Giáo dục quy định chỉ tuyển học sinh THPT. Và hệ trung học nghề không còn tồn tại, khiến cho hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp năm nào cũng chật vật khi tuyển sinh.

Theo ông Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, hiện có hàng nghìn lớp dạy nghề tư thục đang hoạt động, đảm trách trên 30% quy mô đào tạo nghề, song không được hưởng những quyền lợi như các cơ sở dạy nghề công lập. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc phân luồng phải đồng bộ giữa giáo dục, giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề, bao gồm cả giải pháp hành chính và kinh tế - xã hội. Với những nghề đòi hỏi kỹ năng phức tạp, có thể có nhiều cấp độ đào tạo cao hơn để tạo sức hấp dẫn, thu hút người học có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn.

Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan liên quan, Tổng cục Dạy nghề sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Dạy nghề, bảo đảm việc thực hiện xây dựng dự án luật luôn bám sát vào đời sống thực tế. Các ý kiến đều thống nhất tạo sự liên thông và gắn kết giữa ba nhân tố: Trường đào tạo nghề - cơ sở sản xuất - trung tâm xúc tiến việc làm. Đặc biệt, khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề; cho phép các cơ sở đào tạo nghề trong chương trình xã hội hóa được quyền thu phí đào tạo đối với những nơi sử dụng lao động của họ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dạy nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.