Theo Reuters, ngày 17-1, khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại trên Biển Đỏ gia tăng, nhiều nhà sản xuất buộc phải tìm các tuyến đường thay thế để vận chuyển hàng hóa trong vài tuần tới.
Biển Đỏ, dẫn tới kênh đào Suez, nằm trên tuyến đường thương mại Đông - Tây quan trọng từ các trung tâm sản xuất của châu Á đến châu Âu và tới bờ biển phía Đông châu Mỹ. Khoảng 12% lưu lượng vận chuyển hàng hải trên thế giới đi vào kênh đào Suez qua vùng biển này. Nhưng hơn 2 tháng qua, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu trong khu vực đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp.
Trong khi giá cước vận tải hàng không cho đến nay vẫn tương đối ổn định do nhu cầu tạm lắng theo mùa, dữ liệu từ hãng đặt vé vận tải Freightos cho thấy, giá cước trên tuyến từ Trung Quốc đến châu Âu đã tăng 91% so với tuần trước vào ngày 14-1. Cơ quan báo cáo giá TAC Index cũng cho biết, có dấu hiệu tăng giá cước vận tải hàng không từ Trung Quốc đến châu Âu trong tuần này.
Yngve Ruud, người đứng đầu bộ phận Hậu cần Hàng không thuộc Công ty Hậu cần toàn cầu Kühne+Nagel cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với nhiều khách hàng về việc tăng công suất vận tải hàng không. Chúng tôi có thể có nhiều cuộc thảo luận hơn bình thường từ 20-30% trong tháng 1”.
Vận chuyển hàng không đắt hơn so với vận tải đường biển và không cạnh tranh được với các mặt hàng cồng kềnh, lợi nhuận thấp. Theo Hiệp hội ngành Hàng không IATA, với những hạn chế như vậy, lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chỉ dưới 1% khối lượng thương mại toàn cầu. Nhưng kể từ khi lực lượng Houthi tấn công vào các tàu thương mại trên Biển Đỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với người Palestine ở Gaza, các chủ tàu phải chuyển hướng qua những tuyến đường đắt đỏ hơn và thời gian giao hàng kéo dài thêm hàng tuần, thì vận tải hàng không đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Korean Air Cargo, một trong những hãng vận tải lớn nhất thế giới cho biết, bắt đầu nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng và nhiều yêu cầu của khách hàng hơn.
Một số công ty hậu cần bao gồm Schenker của Đức, Bollore Logistics của Pháp và CH Robinson có trụ sở tại Mỹ cũng đang đảm bảo thêm không gian vận chuyển hàng không, và công ty mẹ của Chrysler là Stellantis tuần trước cho biết, họ đang dựa vào vận tải hàng không để đối phó với sự gián đoạn tạm thời trên Biển Đỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.