(HNM) - Cuộc khủng hoảng người di cư dọc theo biên giới của Ba Lan với Belarus đang ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng khi hàng nghìn người phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Giữa thời tiết giá lạnh, tình trạng thiếu nước, lương thực cùng những tranh cãi chưa có hồi kết giữa Vacsava và Minsk đang khiến số phận những người di cư trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Theo Hãng tin CNN, hiện có khoảng 3.000-4.000 người di cư đang tập trung tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Con số này có thể tăng lên 10.000 người trong những tuần tới. Đây là những người dân chạy khỏi các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq. Họ đến Belarus với mục đích muốn tiến sâu hơn vào châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống “thiên đường”.
Tuy nhiên, Ba Lan đã điều động 15.000 binh sĩ tới biên giới để ngăn chặn dòng người di cư xâm nhập qua biên giới.
Ba Lan cáo buộc Belarus để cho đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới nhằm đáp trả việc các nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt nước này từ năm ngoái. Theo đó, người di cư được cung cấp visa, vé và một chiếc máy bay sẵn sàng vận chuyển họ tới thủ đô Minsk trước khi đưa đến biên giới giáp với các nước thành viên EU là Litva, Latvia và Ba Lan. Kết quả là số người vượt biên trái phép vào Ba Lan từ Belarus tăng đột biến trong những tuần gần đây.
Kể từ tháng 8-2021, hơn 30.000 người di cư đã tìm cách vào Ba Lan, sau đó sang Ðức. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik kêu gọi EU tiếp tục tăng cường biện pháp trừng phạt nhằm tạo áp lực hơn đối với Minsk trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Litva, Latvia và Estonia cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Cách đây ít ngày, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ lo ngại, cuộc khủng hoảng tại biên giới Ba Lan - Belarus là một thách thức đối với toàn thể EU. Liên minh này đang giám sát các chuyến bay từ hàng chục nước đến Belarus như Syria, Iran, Qatar, Nam Phi, Somalia, Ấn Độ, Sri Lanka, bao gồm các chuyến bay hai chiều và tần suất của các chuyến nhằm ngăn chặn những người di cư. Chính phủ các nước thành viên EU cũng đã đình chỉ tạm thời một thỏa thuận về tạo điều kiện cấp thị thực cho quan chức Belarus.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko liên tục phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng và chỉ trích cách đối xử với người di cư tại biên giới đang làm leo thang căng thẳng.
Theo Bộ Quốc phòng Belarus, Ba Lan đã triển khai binh lính đến khu vực biên giới mà không thông báo trước với Minsk, cho rằng động thái này vi phạm các thỏa thuận an ninh chung. Tổng thống Belarus A.Lukashenko cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal - Europe nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk.
Theo thông tin dự báo thời tiết, một khối không khí lạnh sẽ di chuyển tới biên giới hai nước vào đầu tuần tới. Nhiệt độ giảm xuống -3 độ C vào đêm 16-11 và có thể xuất hiện tuyết rơi. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đang rất lo ngại sẽ xuất hiện một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này khi sức khỏe rất nhiều phụ nữ và trẻ em đang có dấu hiệu giảm sút.
Hiện tại, dư luận thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào Liên hợp quốc, vốn đang nỗ lực thúc đẩy các quốc gia liên quan tìm kiếm biện pháp để giải quyết bế tắc, cứu vãn số phận hàng nghìn người. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.