Thế giới

Đức xử lý cuộc khủng hoảng người di cư: Cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt

Đoàn Thế 21/01/2024 - 07:03

Nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý cuộc khủng hoảng người di cư đang tạo áp lực lên nền kinh tế cũng như an ninh, xã hội của đất nước, Quốc hội Đức vừa thông qua một số dự luật cải cách mang tính bước ngoặt.

Bên cạnh việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch, chính sách nhập cư mới là cơ sở để nhanh chóng hồi hương những người không được cấp quy chế tị nạn...

di-cu.jpg
Đức nới lỏng một số điều kiện về cấp giấy phép cư trú tạm thời cho người nhập cư.

Với những cải cách mới, người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tựu đặc biệt, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.

Trẻ em sinh ra ở Đức có cha hoặc mẹ đã sống hợp pháp ở nước này từ 5 năm trở lên sẽ tự động có quốc tịch Đức. Những người nhập cư trên 67 tuổi có thể làm bài kiểm tra trình độ tiếng Đức theo hình thức vấn đáp, thay vì hình thức thi viết như hiện nay.

Một trong những nội dung đáng chú ý của chính sách nhập cư mới là hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi.

Trong đó, 4 điểm được tính cho những người có bằng cấp chuyên môn về một nghề cụ thể, 3 điểm cho những người biết nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh và 2 điểm sẽ được cộng thêm cho những người dưới 35 tuổi. Nếu tổng số điểm đạt trên 6 thì người nhập cư sẽ được cấp giấy phép cư trú tạm thời hoặc “Thẻ xanh EU” mà không cần phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí.

Lợi thế lớn nhất là những lao động có trình độ học vấn hoặc chứng chỉ tay nghề tương đương từ các nước thứ ba có thể được cấp "Thẻ xanh EU" mà không cần yêu cầu về trình độ tiếng Đức. Đặc biệt, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nhân lành nghề không có bằng đại học vẫn có thể được cấp giấy phép cư trú nếu chứng minh được có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan.

Trong khi đó, những người sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của Nhà nước sẽ không đủ điều kiện để trở thành công dân Đức. Ngoài ra, quyền công dân Đức cũng sẽ bị từ chối đối với những người có hành vi bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc các hành vi phạm tội phỉ báng khác.

Theo Bộ Nội vụ Liên bang Đức, khoảng 14% dân số nước này không có quốc tịch Đức, tương đương hơn 12 triệu người. Trong đó, 5 triệu người đã sống ở Đức ít nhất 10 năm. Trước khi luật mới được ban hành, quy chế quốc tịch kép chỉ có thể thực hiện ở Đức đối với công dân Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ, hoặc những nước không cho phép người dân từ bỏ quốc tịch gốc (như Iran, Afghanistan, Morocco...).

Luật mới phản ánh một xã hội đa dạng, trong bối cảnh nước này đang phải cạnh tranh toàn cầu để thu hút những bộ óc xuất sắc nhất và sẽ tăng cơ hội cho những người lao động tiềm năng bằng cách đưa ra một lộ trình rõ ràng để họ có thể nhanh chóng trở thành công dân Đức. Bước đi này sẽ giúp Đức thu hút lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Việc cải tổ luật là cam kết quan trọng được Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021. Thời gian chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa là hết nhiệm kỳ và người đứng đầu Chính phủ Đức đang phải vật lộn để đối phó với lượng đơn xin tị nạn tăng hơn 70% kể từ đầu năm.

Hiện tại, ở Đức có hơn 3 triệu người tị nạn, bao gồm cả người sơ tán từ Ukraine, đang sinh sống - con số nhiều nhất kể từ sau làn sóng người Đức từ Đông Âu chạy sang Tây Đức sau Thế chiến thứ hai.

Gánh nặng người di cư khiến nguồn lực của khu vực công tại các địa phương Đức trở nên khó khăn hơn. Các quan chức địa phương cho biết, họ không bảo đảm được nhà ở cho người tị nạn cũng như nhân sự để xử lý các vấn đề liên quan tới hơn 250.000 người xin tị nạn đã đến nước này trong năm 2023.

Việc ban hành các chính sách cải cách để giải quyết tình trạng khủng hoảng người di cư được kỳ vọng sẽ mang tới sự cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để giảm đáng kể tình trạng di cư bất hợp pháp, Đức cho rằng vẫn cần có một hệ thống tị nạn chung của châu Âu, trong đó biên giới ngoài của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.

Hệ thống tị nạn chung của EU có thể mang lại một tiến trình di cư có trật tự hơn và việc cải cách chính sách di cư nên được thực hiện nhanh chóng nhằm tránh tái diễn cuộc khủng hoảng di cư như hồi năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đức xử lý cuộc khủng hoảng người di cư: Cuộc cải tổ mang tính bước ngoặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.