Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng năng lượng ở Nam Phi: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế

Thùy Dương| 29/01/2023 06:49

(HNM) - Tình trạng cắt điện nghiêm trọng nhất đang diễn ra ở Nam Phi đã đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm và làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người dân nước này. Cuộc khủng hoảng điện năng ở nền kinh tế lớn nhất châu Phi đang gây ảnh hưởng lớn cho hoạt động kinh tế của quốc gia này trong thời gian qua.

Trạm truyền tải điện tại thành phố Cape Town (Nam Phi).

Từ các trang trại bò sữa không thể bảo quản sữa trong tủ lạnh, đến việc gà chết ngạt hàng loạt vì máy thở không hoạt động, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành thực phẩm của Nam Phi.

Ông Herman Du Preez, chủ một trang trại gia cầm cho biết, ít nhất 40.000 con gà của ông đã bị chết ngạt do nguồn điện bị gián đoạn khiến hệ thống thông gió của trang trại ngừng hoạt động. Quan ngại hơn, tình trạng mất điện đã buộc các nhà máy giết mổ gia cầm phải tạm dừng hoạt động trong nửa ngày. Do đó, hơn 10 triệu gia cầm được chỉ định giết mổ vẫn chưa thể thực hiện, điều này tạo ra một lượng hàng tồn đọng mà các công ty lo sợ rằng họ sẽ không thể giải quyết được.

Izaak Breitenbach, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Gia cầm Nam Phi cho biết: “Chúng tôi thực sự có đủ gà tại các trang trại trên khắp đất nước, nhưng không thể cung cấp cho thị trường vì không thể giết mổ gà”. Như một biện pháp dự phòng, các nhà sản xuất đã bắt đầu sử dụng máy phát điện, khiến ngành này tốn khoảng 75 xu (0,0439 USD) so với giá sản xuất thông thường cho mỗi kilôgam thịt gà. Thịt gà là một trong những nguồn protein động vật hợp túi tiền nhất ở Nam Phi. Việc tăng giá mạnh có thể khiến nó vượt quá khả năng của nhiều người.

Còn một đại diện của Nhóm vận động hành lang nông nghiệp Agri SA thì nêu rõ: “Ngành công nghiệp sữa cũng đang gặp những thách thức trong quá trình chế biến sữa và việc cắt điện đã gây khó khăn trong vấn đề bảo quản lạnh”.  Theo Agri SA, việc cắt điện kỷ lục đã gây ra tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng chủ lực, đe dọa tăng giá có thể khiến một số mặt hàng phổ biến trở nên quá đắt đỏ với các gia đình nghèo... Đây chỉ là một vài ví dụ về cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm rung chuyển nền kinh tế công nghiệp hóa nhất lục địa.

Từ cuối tháng 6-2022 đến nay, tình trạng cắt điện luân phiên với tần suất cao nhất tại Nam Phi đã diễn ra liên tục. Eskom - công ty cung cấp khoảng 95% nhu cầu điện năng tại Nam Phi, đã cắt điện luân phiên để ngăn chặn sự cố sập lưới điện quốc gia. Ban đầu, Eskom thực hiện chiến dịch cắt điện ở cấp độ cao nhất là mức 6 khiến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp không có điện tới 10 tiếng/ngày. Sau đó, Eskom đã điều chỉnh xuống cấp độ 5 với ước tính một ngày sẽ mất điện khoảng 8 tiếng. Việc này khiến gần như mọi lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng...

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa gần đây tuyên bố rằng, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tư nhân và thậm chí cả các hộ gia đình chạy máy phát điện trong thời gian cắt điện liên tục để giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, thông báo này càng nhấn mạnh thêm tác động của việc thiếu điện nghiêm trọng đang gây ra đối với tăng trưởng kinh tế của Nam Phi. Là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi nhưng việc cắt điện triền miên đang khiến Nam Phi bị thiệt hại lớn và các nhà đầu tư e ngại hơn khi có ý định đầu tư vào đây.

Chris Hattingh, Trưởng bộ phận phân tích chính sách tại Centre for Risk Analysis cho biết, nếu tình trạng mất điện tiếp tục diễn ra ở mức đó, tăng trưởng kinh tế của Nam Phi trong năm nay có thể sẽ bị giới hạn ở mức 1,5%. Các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg nhận thấy 45% khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái khi cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gia tăng.

Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Nam Phi cần tăng cường khả năng cung cấp điện bằng cách gia tăng sản lượng điện từ năng lượng mặt trời và những nguồn năng lượng tái tạo khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng năng lượng ở Nam Phi: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.