Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Chưa thể phá vỡ bế tắc

Trung Hiếu| 08/08/2013 06:12

(HNM) - Tháng lễ Ramadan (ăn chay) của người Hồi giáo sẽ khép lại vào ngày hôm nay (8-8). Với thế giới đạo Hồi, đây là một khoảng thời gian quan trọng, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói;


Thế nhưng, với người dân Ai Cập, Ramadan 2013 đã trở thành một tháng buồn khi bạo lực tiếp diễn đã gây chia rẽ sâu sắc tại Ai Cập. Từ đầu tháng lễ, nhiều chiến dịch, nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế được đưa ra để ngăn chặn sự đổ máu và tôn trọng ý nghĩa của tháng Ramadan, nhưng tất cả đã không mang lại kết quả.

Thủ đô Cairo đã tê liệt hoàn toàn do các vụ biểu tình, căng thẳng chính trị tại nước này tiếp tục leo thang.



Trong một diễn biến mới, ngày 6-8, phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tiếp tục phát động một cuộc biểu tình mới, trong bối cảnh các nhà ngoại giao quốc tế đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ai Cập. Trước đó, Liên minh quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL), lực lượng vừa được thành lập do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu và quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo, đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn khác nhằm ủng hộ Tổng thống bị phế truất M.Morsi, bất chấp cảnh báo trước đó của chính quyền lâm thời về việc sử dụng vũ lực để giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo kéo dài hơn một tháng qua tại quận Nasr City ở Đông bắc Cairo và trước cửa Đại học Cairo ở tỉnh Giza lân cận. Cùng thời gian này, hàng trăm người ủng hộ ông M.Morsi và thân nhân của các thành viên MB đang bị giam giữ đã phong tỏa tuyến đường trước trụ sở Tòa án Tối cao nhằm gây sức ép đòi phóng thích những người này. Trong khi đó, chỉ riêng ngày 5-8, hơn 20 người đã bị thương trong cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối ông M.Morsi. Còn theo thống kê của Bộ Y tế Ai Cập, từ hôm 30-6 đến nay, các vụ bạo lực chính trị đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 300 người.

Đến thời điểm này, căng thẳng giữa chính quyền lâm thời và phe Hồi giáo vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Thậm chí, ngay khi Hãng tin Reuters loan báo trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Bắc Phi này, Chính phủ Ai Cập sẽ đề xuất trả tự do cho một số thành viên của MB bị cầm tù, bãi bỏ các lệnh phong tỏa tài sản của MB và trao cho MB 3 vị trí bộ trưởng thì ngay lập tức, ngày 6-8, ông Ahmed El-Muslimany, cố vấn truyền thông của Tổng thống Ai Cập, đã phủ nhận thông tin này. Trước đó, một tòa án của Ai Cập đã quyết định tổ chức phiên tòa xét xử 6 thủ lĩnh cấp cao của tổ chức MB vào ngày 25-8 tới. Dư luận lo ngại chính điều đó sẽ càng khoét sâu thêm mâu thuẫn, bất đồng và khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này lún sâu vào bế tắc.

Trong khi đó, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 6-8, hai Thượng nghị sĩ Mỹ là Lindsey Graham và John McCain đang thăm Cairo đã hối thúc chính quyền lâm thời Ai Cập phóng thích các tù nhân chính trị, khởi động đối thoại dân tộc toàn diện và nhanh chóng khôi phục chính quyền dân chủ. Tại các cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi, Phó Tổng thống lâm thời phụ trách đối ngoại Mohamed ElBaradei và Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawi, hai Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Mỹ đã kêu gọi trả tự do cho các thủ lĩnh tổ chức MB trong đó có Tổng thống bị phế truất M.Morsi. Cùng thời gian này, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Nabil Fahy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi trả tự do cho ông M.Morsi cũng như chấm dứt mọi hành động bạo lực. Trước đó, hàng loạt đặc phái viên của Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh Châu Phi (AU) và các quốc gia Arab Vùng Vịnh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo trong chính phủ lâm thời và đại diện các phe phái đối địch ở Ai Cập. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa có bước đột phá nào cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay tại Ai Cập do lập trường các bên quá khác biệt.

Cuộc khủng hoảng tại xứ Kim tự tháp vẫn chưa tìm được hướng đi. Hơn hai năm sau ngày "Cách mạng 25-1" đến nay, người dân Ai Cập vẫn không ngừng cố gắng tìm kiếm một giải pháp phá vỡ bế tắc. Một "nền dân chủ thật sự" sau "Mùa xuân Arab" vẫn chỉ mới tồn tại trong ý nghĩ và người dân vùng Bắc Phi này vẫn chưa một ngày được sở hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Chưa thể phá vỡ bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.