Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khúc Hải Vân - hiệp sĩ công nghệ thông tin giàu lòng tình nguyện

LANHUONG| 27/05/2009 14:51

(HNMO) - So với các bạn đồng lứa, Khúc Hải Vân – Phó Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng, Hà Nội, có những chiến tích đáng nể: Cá nhân là

(HNMO) - So với các bạn đồng lứa, Khúc Hải Vân – Phó Giám đốc Trung tâm tin học Tia Sáng, Hà Nội, có những chiến tích đáng nể: Cá nhân là "Hiệp sỹ công nghệ thông tin 2006", Trung tâm tin học Tia Sáng nhận giải thưởng "ICT thắp sáng niềm tin 2007". Bạn sẽ nể hơn khi biết Vân chưa từng nhìn thấy ánh sáng trong đời. Gặp Vân với bạn bè, nghe tiếng cười hào sảng lạc quan, cảm câu chuyện đời anh, để thấy thứ ánh sáng long lanh phát ra từ con người đặc biệt này.

Tin học cho tôi một Tia sáng

Tôi sinh năm 1982. Cha mẹ tôi bán cơm hộp để trang trải cuộc sống, họ không thể cho tôi 1 đời sống vật chất sung túc, nhưng tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi 1 gia đình đầm ấm, 1 nghị lực và 1 thói quen sống vì mọi người. Mắt không nhìn được nhưng với cây gậy trong tay, từ bé tôi có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn, thính giác và khứu giác giúp tôi định vị. Tôi cũng không ngần ngại “túm” lấy bất cứ ông tây bà đầm nào ở Bờ Hồ để được nghe nói tiếng Anh. Khi vốn tiếng Anh đã kha khá, tôi bắt đầu tìm hiểu máy tính, một thứ khá mới mẻ đối với người khiếm thị.

Ngay lần đầu tiên chạm vào bàn phím, tôi hiểu rằng hai chữ “tin học” chính là bước ngoặt cuộc đời mình. Tuy nhiên việc học thật không dễ dàng gì, từ việc phải tự học thuộc lòng các thao tác phím, đến việc sử dụng các phần mềm phức tạp. May mắn, tôi và người bạn đồng cảnh là Phạm Sơn Hà giúp đỡ và bổ trợ cho nhau; tôi giỏi tiếng Anh, Hà giỏi tin học, vì vậy chúng tôi là một cặp đôi rất ăn ý.

Nhớ như in ngày tôi mang phần mềm dành cho người khiếm thị đến một số quán net để nhờ cài đặt. Thiện ý giúp các bạn khiếm thị có cơ hội dùng net, nhưng điều tôi nhận được là những lời từ chối với ý coi thường, và tôi hiểu mình cần làm 1 điều gì đó. Trung tâm tin học Tia sáng chính là tâm huyết của tôi và Hà.

Quá nhiều khó khăn trong những ngày đầu, nhưng không sao, cứ bước đi rồi đường sẽ phẳng, chúng tôi nghĩ vậy đấy. Nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng bằng thành quả là hàng trăm người khiếm thị đã được trang bị kiến thức cơ bản về tin học, có thể tìm cho mình một công việc để lập thân.

Chúng tôi thấy hạnh phúc vì từ mô hình này, tại các tỉnh thành, đã có thêm rất nhiều trung tâm dạy tin học cho người mù khác ra đời. Bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh có 1 phần tay tôi đóng góp. Chúng tôi gấp rút hoàn thành việc chuyển đổi bộ giáo trình này sang công nghệ Daisy Book (sách điện tử kỹ thuật số dễ tiếp cận cho người khuyết tật).

Tôi thích vác tù và

Bố mẹ thường mắng yêu “mày là đứa ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng trong tôi luôn có thôi thúc đi "vác tù và". Hoàn cảnh khiến tôi không cho phép mình được khóc bao giờ, nhưng lần ấy nước mắt cứ tự nhiên chảy ra khi bọn trẻ mồ côi ở trung tâm Hy Vọng (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) nhảy cẫng lên réo gọi: “A, anh Vân, Anh Vân, tụi em nhớ anh quá”, nói rồi đứa lấy nước, đứa lấy khăn ướt cho tôi lau mặt, đứa ôm vai, thế là mệt nhọc của 3 giờ ngồi xe máy cà tàng dưới nắng gắt tan hết. Thương tụi nhỏ lắm, vì chúng thiếu thốn hơi ấm của tình yêu thương đã quá lâu rồi.

Thấm thoắt đã 10 năm tôi hoạt động vì cộng đồng. Bắt đầu với CLB Tình nguyện trẻ ở Hà Nội, quyên góp, giúp đỡ, dạy học cho trẻ lang thang, có khi chỉ là đến hát và kể chuyện cổ tích cho các em nghe. Rồi tiếp đến là Trung tâm Nghị lực sống mà tôi được bổ nhiệm là Phó Giám đốc, đào tạo nghề và kiếm việc làm cho những người khuyết tật.

Tiếp nữa nhóm tình nguyện vì cộng đồng FHG mà tôi là trưởng nhóm, chúng tôi là những người trẻ tuổi với cách thức làm tình nguyện rất đặc biệt: Chia sẻ bằng những cái ôm. Tôi cùng với các thành viên nhóm đã tổ chức nhiều chiến dịch kết nối yêu thương, đem những cái ôm chia sẻ đến với các em học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, những người bệnh nặng tại các bệnh viện, trẻ mồ côi và tàn tật Thụy An, Ba Vì….

Tại sao chúng ta phải ngại ngần mỗi khi chia sẻ yêu thương?, phải không các bạn.

Vũ khí của tôi là tình yêu cuộc sống

Như sự bù trừ, người khiếm thị có khứu giác và vị giác rất nhạy, vì vậy bạn bè thường nhờ tôi gọi món ăn và đồ uống. Khi trống vắng một mình, tôi thích rượu nút lá chuối. Còn lúc tụ tập, tôi và bạn bè chọn bia Saigon Special, hương vị đậm đà của nó hợp với những phút ta trả lòng bên chiến hữu. Mọi người bảo "với men bia, Vân dường như biến thành một nghệ sĩ đa tài", vì khi hứng lên tôi thường làm thơ, diễn chèo, hoặc say mê hát những tình khúc bất hủ.

Đồ nhắm ưa thích nhất ư? Món khoái khẩu của tôi là cá rô rán giòn cuốn với xoài xanh và bánh tráng. Rô ron được rán với mỡ già, đặt vào bánh tráng, cho một ít xoài xanh, cho vài giọt chanh sau đó cuộn lại, chấm với nước mắm nguyên chất. Món này có vị bùi của bánh đa, thanh của xoài xanh, béo ngậy của cá rô, vị thơm mát của chanh tươi và đưa cay với bia Saigon Special thì mê ly vô cùng. Nhưng nhớ là phải ăn khi cá còn thật nóng và tốt nhất là nướng đến đâu thì thưởng thức đến đó nhé.

Tôi, một anh chàng hiệp sĩ mù, không giáo mác trên tay, vũ khí của tôi là công nghệ thông tin và tình yêu cuộc sống. Tôi thường được bạn bè ví von gọi là vị thần vui vẻ, có lẽ bởi lúc nào tôi cũng muốn mang lại tiếng cười cho mọi người dù ở bất cứ… xó xỉnh nào. Sở thích của tôi là tin học, làm tình nguyện và… hoạt động xã hội. Thế thôi.

H.A(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khúc Hải Vân - hiệp sĩ công nghệ thông tin giàu lòng tình nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.