Ngày 2-10, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức Hội nghị biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số, con cháu hiếu thuận với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội”.
Đây là sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10 và Tháng hành động quốc gia về người cao tuổi.
Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già từ năm 2011. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2036 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%.
Dự báo, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Cụ thể, năm 2023, 42 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng đã được triển khai tại 42 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe cũng được thành lập tại 40 xã của 9 huyện. Kết quả, tỷ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho người cao tuổi năm 2023 đạt 88,79% (tăng 2,4% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu thành phố giao).
Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ giai đoạn 2022 - 2024.
Dự án này đã lựa chọn phường Bồ Đề (quận Long Biên) và xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) để triển khai, hướng dẫn các bài tập tránh ngã cho người cao tuổi với mong muốn hỗ trợ họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.
“Các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người cao tuổi được tổ chức mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dân số”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng, sức khoẻ của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,7 tuổi) nhưng tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh thấp, chỉ đạt 63,2 tuổi khoẻ mạnh với nam và 70 tuổi ở nữ. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây.
“Trung bình 1 người cao tuổi ở nước ta mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Vì vậy, chủ đề “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội” có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh”, ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, theo ông Lê Thanh Dũng, cần sự tập trung, nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị theo một định hướng, mục tiêu thống nhất cùng với các giải pháp đồng bộ. Điều này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về người cao tuổi. Bảo đảm cho mọi người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.