Sáng 4-10, UBND xã Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức ra mắt mô hình máy bơm chữa cháy nhân dân.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao cho biết, xã có 7 thôn với 1.566 hộ dân, 7.588 nhân khẩu. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất, chế biến hàng nông sản, như: Mỳ, miến, sản xuất bánh kẹo, nước ngọt… Đến nay, toàn xã có tổng số 403 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, 39 cơ sở thuộc loại hình là kho, xưởng sản xuất.
Hoạt động sản xuất ở làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Do đó, việc thành lập các mô hình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) ở cơ sở rất cần thiết, cấp bách.
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Minh Khai tổ chức 6 buổi tuyên truyền kỹ năng PCCC và thoát nạn tới 1.050 lượt người là đại diện các hộ gia đình trên địa bàn xã.
Xã cũng duy trì hoạt động hiệu quả 8 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 98 “Điểm chữa cháy công cộng”; vận động các gia đình trong xã tự trang bị bình chữa cháy, bảo đảm tiêu chí mỗi hộ có ít nhất từ 1 bình trở lên.
Tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt hệ thống máy bơm chữa cháy tại các ao, hồ nước trên địa bàn xã. Đến nay, các hệ thống máy xây dựng được, gồm: Máy bơm cao áp chạy bằng điện, lắp 2 nguồn điện ba pha bảo đảm có thể hoạt động khi sự cố xảy ra; lắp đặt 13 máy bơm nước tại các ao nước, 149 trụ nước với 6.400m đường ống dẫn nước ở 7/7 thôn. Hệ thống máy bơm chữa cháy đạt gần 90% tổng diện tích khu dân cư; tổng số kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa gần 1,5 tỷ đồng.
Với phương châm “4 tại chỗ”, những mô hình PCCC tại xã Minh Khai, đặc biệt mô hình “Hệ thống máy bơm chữa cháy nhân dân” đang phát huy tích cực vai trò của nhân dân trong công tác PCCC&CNCH.
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao mô hình hệ thống máy bơm chữa cháy nhân dân xã Minh Khai, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường đề nghị, xã tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện với các xã, thị trấn để góp phần lan tỏa và nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn huyện.
Đồng thời yêu cầu Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn cùng với địa phương, nghiên cứu triển khai mô hình cho phù hợp, hiệu quả, nhất là đối với các xã có làng nghề lớn, nguy cơ cháy nổ phức tạp, như: Sơn Đồng, La Phù, Dương Liễu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.