Lần đầu tiên trong lịch sử 234 năm, các thành viên Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu phế truất một Chủ tịch Hạ viện.
Theo đó, với số phiếu 216-210 tán thành, các thành viên bảo thủ của Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cùng với tất cả các thành viên Đảng Dân chủ thông qua “kiến nghị bãi nhiệm” Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Qua đó tạo tiền đề cho một cuộc đua tìm người kế nhiệm tiềm năng - một năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Cựu doanh nhân 58 tuổi đã làm dấy lên cơn thịnh nộ trong giới bảo thủ khi ông thông qua ngân sách tạm thời của lưỡng đảng vào cuối tuần qua, được Nhà Trắng ủng hộ, nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Theo CNBnews, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz cáo buộc ông McCarthy đã thực hiện một "thỏa thuận bí mật" với Tổng thống Joe Biden để cung cấp thêm tài chính cho Ukraine theo một biện pháp riêng, điều mà nhiều đảng viên Cộng hòa phản đối.
Tuy nhiên, ông McCarthy đã thẳng thừng phủ nhận việc đàm phán một thỏa thuận với đảng Dân chủ về việc tài trợ cho Ukraine. Việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine đã gây chia rẽ các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tuần trước, một dự luật tài trợ bổ sung cho Ukraine nhận được nhiều sự phản đối của Đảng Cộng hòa hơn là ủng hộ, với 117 phiếu chống và 101 phiếu ủng hộ.
Sự kiện phế truất một Chủ tịch đương nhiệm bằng cách bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ quốc hội là điều chưa từng có trong lịch sử của xứ Cờ hoa. Các đồng minh của ông McCarthy cảnh báo rằng động thái này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho tương lai.
Cuộc bỏ phiếu đánh dấu chấm hết cho vai trò Chủ tịch Hạ viện đầy thử thách của ông McCarthy (phải mất 15 vòng bỏ phiếu mới đảm bảo được vị trí này vào tháng 1). Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy là cá nhân quyền lực nhất trong ngành lập pháp, có khả năng tác động trực tiếp đến các chính sách của chính phủ, từ an ninh quốc gia đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc bãi nhiệm ông McCarthy sẽ làm tăng thêm sự bất ổn đang diễn ra xung quanh chi tiêu của chính phủ, bao gồm hàng chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine và các nhu cầu quốc tế khác.
Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch tạm thời cho đến khi một nhà lãnh đạo mới được bầu.
Cuộc đấu đá nội bộ giữa các đảng viên Cộng hòa thực sự đã khiến mọi hoạt động tại Hạ viện bị đình trệ cho đến khi bầu ra một chủ tịch mới. McCarthy cho biết vào tối 3-10 rằng, ông sẽ không tiếp tục tranh cử chức vụ này, dọn đường cho một chủ tịch mới của Đảng Cộng hòa nếu các thành viên trong đảng có thể đạt được sự đồng thuận.
Cho đến khi Chủ tịch Hạ viện mới được bổ nhiệm, khó có khả năng có thêm hành động nào đối với các dự luật tài trợ cho chính phủ, các nhà lập pháp phải đối mặt với thời hạn ngày 17-11 để cung cấp thêm ngân sách hoặc đối mặt với việc chính phủ phải đóng cửa một phần. 221 thành viên Đảng Cộng hòa và 212 thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã họp kín để tìm ra các bước tiếp theo - cả về chính trị và lập pháp. Mỗi bên dự kiến sẽ cố gắng lựa chọn một ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch. Điều đó khá dễ dàng đối với các thành viên Đảng Dân chủ vì họ đang đứng sau lãnh đạo thiểu số Hakeem Jeffries, người đã cạnh tranh vị trí Chủ tịch Hạ viện với ông McCarthy vào tháng 1-2023.
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa, do có sự chia rẽ rõ ràng, có thể gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn một ứng cử viên. Theo Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là thành viên Quốc hội. Đó là lý do tại sao một số đảng viên Đảng Cộng hòa đã nêu tên cựu Tổng thống Donald Trump cho chức vụ này, mặc dù ông đang tranh cử tổng thống và nói rằng không muốn làm công việc này.
Sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu phế truất ông Kevin McCarthy khỏi chức Chủ tịch, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Biden đã cho thấy ông luôn mong muốn làm việc với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Quốc hội. Theo ông Biden, những thách thức cấp bách mà nước Mỹ đang phải đối mặt sẽ không chờ đợi, vì thế ông hy vọng Hạ viện sẽ nhanh chóng bầu ra Chủ tịch mới
Theo giới truyền thông Mỹ, những vấn đề trên đang làm “náo loạn” Hạ viện sau vài tuần căng thẳng về ngân sách. Thêm vào đó, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa (Donald Trump) phải đối mặt với 91 cáo buộc trong 4 vụ án hình sự và vô số lần hầu tòa trong vài tháng tới, khiến tình hình chính trị ở Mỹ có thể căng thẳng hơn.
Đây là chỉ dấu cho thế giới thấy rằng nền chính trị Mỹ vẫn còn nhiều chia rẽ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.