Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Nợ công lại gia tăng

Phương Quỳnh| 25/07/2014 06:34

(HNM) - Đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lại đứng trước những nguy cơ đáng lo ngại khi tỷ lệ nợ công có dấu hiệu tăng mạnh, trái với xu hướng lạc quan từng đạt được vào cuối năm ngoái.


Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat), trong quý I-2014, tổng nợ công của 18 nước Eurozone đã tăng tương đương 93,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với mức 92,7% trong quý liền kề trước đó. Tổng nợ công của 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), cũng tăng từ 87,2% lên 88% GDP. Mặc dù nền kinh tế đã trải qua 4 quý tăng trưởng liên tiếp, nhưng tình hình tài chính công của xứ Sương mù vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Điều này đặt ra dấu hỏi với kế hoạch mà Bộ trưởng Tài chính George Osborne từng theo đuổi nhằm xóa bỏ thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2017-2018. Trong khi đó, các nước Eurozone có tỷ lệ nợ công cao lần lượt là Hy Lạp (tương đương 174,1% GDP), Italia (135,6% GDP), Bồ Đào Nha (132,9% GDP). Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo với mức nợ cao như hiện nay, ba nước trên khó có thể thanh toán nợ trong tương lai gần.

Nợ công Châu Âu lại gia tăng trong những tháng gần đây.



Mặc dù đà phục hồi kinh tế của Eurozone với sản lượng hàng hóa thực tế tăng trong 4 quý liên tiếp, tâm lý thị trường tài chính được cải thiện đáng kể, nhưng sự phục hồi này chưa đủ mạnh. Do vậy, các thành viên EU vẫn phải "vật lộn" với gánh nặng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, sự phục hồi vốn đã rất mong manh lại bị chi phối bởi các rủi ro bên ngoài như: Suy giảm tăng trưởng tại các thị trường kinh tế mới nổi, tình trạng leo thang các cuộc xung đột địa-chính trị và "lối thoát" đột ngột từ các chính sách tiền tệ bất ngờ ở Mỹ. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về trung hạn nền kinh tế Eurozone đang đứng trước nguy cơ trì trệ. Đây là hậu quả của tình trạng nhu cầu tiêu thụ nội khối liên tục sa sút do giảm nợ cùng chính sách chưa đủ mạnh và quá trình cải cách cơ cấu tài chính còn trì trệ.

Một lý do nữa khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu quan ngại là chỉ số tiêu dùng (CPI) của Eurozone chỉ tăng 0,5% trong tháng 5-2014. Lạm phát cả năm qua chỉ dưới mức 1%, trong đó một số nền kinh tế thành viên thực sự đã trải qua giảm phát. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đặt mục tiêu lạm phát ở mức sát 2% trong trung hạn nhưng mục tiêu này đang chơi vơi. Nếu giảm phát, hoặc thậm chí chỉ cần lạm phát thấp trong thời gian tới sẽ kéo các hoạt động kinh tế của khu vực tiếp tục đi xuống. Dự kiến Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng hơn 1% trong năm nay.

Để ngăn chặn khủng hoảng nợ có nguy cơ quay trở lại, các nhà lãnh đạo Cựu lục địa đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Trong đó, đáng chú ý là việc EU đề ra kế hoạch lập một liên minh ngân hàng. Tháng 11 tới, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu giám sát các ngân hàng lớn trong Eurozone. Bước tiếp theo là đưa ra một cơ chế chung nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng gặp khó khăn sẽ làm sụp đổ các chính phủ, như đã xảy ra với Ireland năm 2010. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những giải pháp mà ECB vừa đưa ra chưa chắc đã mang lại tác dụng bởi chúng mới chỉ nhắm tới lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, vấn đề bức thiết hiện nay là phải xây dựng được một mô hình tăng trưởng hợp lý hơn cho cả khu vực đang vật lộn với suy thoái kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu.

Bởi vậy, gánh nặng trên đôi vai Chủ tịch ECB đương nhiệm Mario Draghi là rất lớn cho dù M.Draghi hay cựu Chủ tịch Jean-Claude Trichet trước đó đã làm rất nhiều để giúp Eurozone không chìm quá sâu vào suy thoái. Không thể phủ nhận nỗ lực nới lỏng thị trường và chính sách tài khóa thắt chặt suốt thời gian qua đã giúp EU đứng vững, nhưng nếu không có một mô hình tăng trưởng hợp lý hơn thì hy vọng về một thay đổi lớn về kinh tế cho Cựu lục địa sẽ vẫn chỉ là hy vọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu vực đồng tiền chung Châu Âu: Nợ công lại gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.