Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực Đông Nam Bộ: Sớm hình thành hệ thống đường cao tốc

An Tôn - Minh Sơn| 24/03/2021 07:01

(HNM) - Tỉnh Bình Phước đang tăng cường phối hợp với tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tuyến đường cao tốc nối 3 địa phương này. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai và xây dựng cao tốc Đồng Nai - Đà Lạt… Đây là những động thái mới nhất để giúp Đông Nam Bộ sớm hoàn thiện hệ thống đường bộ, phục vụ phát triển.

Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng và nối với tuyến cao tốc đi tỉnh Lâm Đồng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Các địa phương chủ động

Trong tháng 3-2021, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã liên tục có các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thống nhất đề xuất phương án xây dựng tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh qua tỉnh Bình Dương đến huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).

Theo “Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, tuyến cao tốc này có chiều dài 69km, quy mô 6-8 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng. Tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, triển khai đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để thu hút các nguồn lực xã hội. Kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn nhận định, quốc lộ 13 nối các địa phương này hiện đã quá tải. Tuyến đường cao tốc mới sẽ giúp cho việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện hơn không chỉ với vùng Đông Nam Bộ mà còn cả với vùng Nam Tây Nguyên.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, tuyến đường sẽ nối thêm 4km đến cửa khẩu Hoa Lư với Campuchia, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 73km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài hơn 10km, quy mô 6 làn xe. Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 60km, rộng 6-8 làn xe, trong đó có 28km đi trên cao với 10 cầu vượt. Đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 2km. Hiện, các địa phương cũng đã thống nhất 2 phương án trình Chính phủ phê duyệt. Phương án 1, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 33,8 nghìn tỷ đồng, đường rộng 24,75m. Phương án 2, tổng vốn đầu tư dự kiến 28,2 nghìn tỷ đồng, đường rộng 17m.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: “Dù khó khăn đến đâu, tỉnh Bình Phước vẫn sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành dự án ngay trong giai đoạn 2021-2025”

Bộ Giao thông Vận tải tích cực vào cuộc

Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Ban Quản lý dự án Thăng Long về Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với quốc lộ 20 tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Toàn tuyến dài 59,6km với 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng mức đầu tư là 6.619 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), Nhà nước hỗ trợ kinh phí 1.300 tỷ đồng; nhà đầu tư BOT có 15,5 năm khai thác. Dự án dự kiến khởi công vào quý IV-2022, khai thác từ quý I-2025. Đây là dự án thành phần 1 của Dự án cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng), có tổng chiều dài hơn 200km.

Anh Trương Công Bảo, ở đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh), là lái xe chở hàng chuyên chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt cho biết, hiện tất cả các phương tiện đều chạy trên quốc lộ 20 chật hẹp, nên thường phải mất hơn 7 giờ đi đường. Nếu có tuyến cao tốc mới, thời gian đi xe chỉ mất hơn 3 giờ, chi phí vận tải sẽ giảm nhiều.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải còn giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây”. Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tuyến cao tốc này đang có dấu hiệu mãn tải, nếu không được mở rộng, nguy cơ ùn tắc trầm trọng sẽ xảy ra, khi sân bay Long Thành hoạt động từ năm 2025. Theo đề xuất, trước mắt sẽ mở rộng đoạn đường 24km từ thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) từ 4 làn lên 8 làn xe; tổng kinh phí khoảng 9.976 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc với các địa phương vùng Đông Nam Bộ ngày 24-2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, Ðông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động, đóng góp 45% tổng sản phẩm nội địa cả nước. Tuy nhiên, khi lưu lượng vận tải tăng nhanh, kết cấu hạ tầng lại không theo kịp, nên tạo ra nhiều điểm nghẽn. Do đó, cần triển khai sớm những công trình hạ tầng đột phá để hỗ trợ toàn vùng phát triển mạnh hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Đông Nam Bộ: Sớm hình thành hệ thống đường cao tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.