Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Quá trình lựa chọn nhà thầu bảo đảm công khai, minh bạch, thu hút được các doanh nghiệp có năng lực tham gia.
Bộ Giao thông vận tải phấn đấu sớm hoàn thành các công trình trạm dừng nghỉ, đồng bộ với việc hoàn thành toàn bộ dự án, qua đó phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 8 trạm dừng nghỉ
Tám dự án trạm dừng nghỉ trên 7 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đều được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Đó là 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án thành phần: Mai Sơn (tỉnh Ninh Bình) - Quốc lộ 45, Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) - Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh), Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) - Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Thống kê cho thấy, ngay từ khi các dự án công bố mời gọi nhà đầu tư, đã có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia với tư cách độc lập hoặc hợp tác trong các liên danh nhà đầu tư. Khi tham gia đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư phải có bảo đảm thực hiện hợp đồng (giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng bằng 1-3% tổng chi phí thực hiện dự án). Trong quá trình đấu thầu, tất cả các nhà đầu tư tham gia ứng tuyển đều được xét theo đúng năng lực kỹ thuật, khả năng tài chính.
Qua đấu thầu, tính đến ngày 11-7-2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư cho từng dự án. Trong đó đáng chú ý là các doanh nghiệp lớn như: Liên danh Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát trúng thầu 3 dự án, gồm: Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế trúng thầu 4 dự án, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt.
Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Quang Giang cho biết, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, các ban quản lý dự án sẽ đàm phán với nhà đầu tư để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng; phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông. Trạm dừng nghỉ có nhiều hạng mục, tuy nhiên, trong vòng 2-3 tháng sau khi trúng thầu, nhà đầu tư phải ưu tiên thực hiện trước và hoàn thiện các hạng mục thiết yếu như bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh… vào cuối năm 2024 để phục vụ nhu cầu người dân. Các hạng mục còn lại hoàn thiện trong năm 2025.
“Sân chơi” mới trong đầu tư hạ tầng giao thông
Đầu tư trạm dừng nghỉ đang được coi là “sân chơi” mới trong hệ sinh thái đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia. Điển hình là Liên danh Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát vừa trúng thầu 3 dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ, sẽ tối ưu chi phí, tận dụng nguồn lực sẵn có của mình từ dịch vụ vận tải, sản xuất ô tô, bất động sản… Ba dự án trạm dừng nghỉ mà liên danh này trúng thầu nằm liền kề nhau trên đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài khoảng 300km, có lưu lượng xe khá tốt. Ngoài ra, việc đầu tư theo chuỗi từ 3 trạm dừng nghỉ trở lên sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, khai thác khi có chung thiết kế, chung hệ thống quản lý.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, với gần 50 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc của cả nước cần được đầu tư trong vòng 2-5 năm tới, đây là một ngành nghề kinh doanh mới, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ triển khai 8 dự án nói trên, đối với các trạm dừng nghỉ còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt thông tin dự án, làm cơ sở để các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong quý III-2024, phấn đấu hoàn thành đồng bộ với các dự án đường cao tốc khi đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2025.
“Để bảo đảm hoàn thành các trạm dừng nghỉ vào năm 2025 theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Cục và các ban quản lý dự án đã xác định tinh thần triển khai với quyết tâm cao nhất” - Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Nguyễn Quang Giang nhấn mạnh.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến tỉnh Cà Mau theo quy hoạch có 36 trạm dừng nghỉ (mỗi trạm xây theo cặp hai bên đường). Khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59km. Trong đó, có 7 trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác, 4 trạm đang đầu tư. Với những trạm dừng nghỉ chưa đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã giao các ban quản lý dự án rà soát tổng thể để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hoàn thành trong năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.