(HNM) - Chưa kịp
Nếu phải truy thu, tính ra mỗi công nhân phải nộp lại khoảng 33 triệu đồng/người, trong khi đời sống nhiều năm qua đã thiếu ổn định bởi không ít quyền lợi bị tước đoạt. Trước nỗi lo đó, hôm qua 5-9, đích thân Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà đã gặp gỡ báo giới giải đáp vấn đề này…
Luôn đứng về người lao động
Sự việc bắt đầu do trong văn bản gửi Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, ông Trần Thiện Hà (Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh) cho hay: Theo Quyết định số 5626/UBND-ĐTMT cho phép ngành công viên, cây xanh áp dụng lương là 2 triệu đồng/tháng, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2011 đến 31-12-2012. Tuy nhiên, đến ngày 23-7-2013, UBND thành phố ra văn bản số 3767/UBND-CNN quy định mức lương tối thiểu không quá 1.512.500 đồng/tháng cho người lao động. Vì vậy nếu thực thi theo chỉ đạo của thành phố thì gần 1.500 người lao động phải hoàn trả lại phần tiền lương chênh lệch đã được lĩnh là 49,3 tỷ đồng. Từ đó ông Trần Thiện Hà kiến nghị thành phố không nên truy thu.
Những người lao động bị tước đoạt quyền lợi sẽ không bị truy thu một đồng nào. |
Theo phân tích của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, việc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh kiến nghị không nên thu hồi số tiền lương của người lao động với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng là sai hoàn toàn với quan điểm của thành phố. Thực tế, trong các văn bản của thành phố không có dòng chữ nào đề cập đến vấn đề truy thu mà chỉ yêu cầu công ty làm rõ mức chi lương sai và sử dụng lao động không đúng quy định. UBND thành phố luôn cân nhắc từng hợp đồng, từng trường hợp người lao động để đưa các quy định đúng quy định của Nhà nước. "Việc nói truy thu người lao động gây tâm lý hoang mang cho công nhân và rất nguy hiểm, trong khi họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Thành phố không lấy một đồng xu nào của người lao động, kể cả khi đã chi cho họ ở mức vượt khung. Lỗi là ở người đứng đầu doanh nghiệp, nếu nay mai phải đền bù thì người lãnh đạo đó phải đền bù vì đã làm sai. Người lao động không chịu trách nhiệm sai hay đúng, chịu trách nhiệm là người ra quyết định. Người lao động phải được khôi phục quyền lợi và được bồi thường thiệt hại. Quan điểm nhất quán của UBND thành phố là không bao giờ làm gì ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, chỉ thu hồi tiền chi sai của viên chức quản lý. Thực tế, một số lãnh đạo của các công ty sai phạm trước khi bị kỷ luật cũng chưa công nhận mình sai" - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Để khẳng định điều này, UBND thành phố sẽ có văn bản đến các công ty sai phạm, nêu rõ là không được thu hồi tiền của người lao động, để họ yên tâm làm việc. "Đây cũng là sự chủ quan của thành phố, bởi khi phổ biến các văn bản quy định của Nhà nước đến từng doanh nghiệp thì các đơn vị này lại không phổ biến đúng chủ trương, làm cho quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng", ông Hà nói.
Doanh nghiệp cố tình sai phạm
Phân tích về sai phạm của 4 đơn vị công ích, ông Hà cho rằng các công ty này đã chi cao bất thường. Cụ thể, năm 2011 mức chi lương đã cao bất thường, đến năm 2012 lại tiếp tục áp dụng mức lương cao hơn trong khi quan điểm của thành phố là áp dụng mức lương làm sao bảo đảm cuộc sống người lao động và tiết kiệm ngân sách. Khi thành phố đưa ra quy định và siết chặt các quy định về tiền lương thì các doanh nghiệp này lại phản ứng vì cho rằng cần phải đưa ra sớm hơn.
Mặt khác, theo quy định năm 2012, lãnh đạo được hưởng 70% quỹ lương của mức chi năm 2011 và với đơn giá 80% (hệ số an toàn). Thế nhưng các đơn vị này vẫn lấy mức cao để chi cho năm 2012 mà không lấy mức năm 2011 và năm 2012 lấy mức 2 triệu là cao hơn gấp đôi. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp đã cố tình "khoét sâu" vào kẽ hở giữa các văn bản của bộ, ngành và UBND thành phố ban hành để rồi không chọn cách vừa tiết kiệm ngân sách vừa bảo đảm cho người lao động theo chỉ đạo của UBND thành phố mà lấy văn bản có hệ số lương cao nhất để áp dụng. Rút kinh nghiệm lần này, để tránh tình trạng các doanh nghiệp nhà nước lại tìm cách "lách luật", thời gian tới, thành phố sẽ điều chỉnh bộ định mức lương.
Chiều cùng ngày, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Dương Hồng Thanh, khẳng định, Sở GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải xe buýt không truy thu số tiền 99,4 tỷ đồng tiền lương chênh lệch trong 6 tháng đầu năm 2013 của 10 đơn vị HTX xe buýt (có khoảng gần 5.000 lao động trực tiếp và gián tiếp). Trước đó, theo thông báo của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố, kể từ thời điểm quyết toán tiền trợ giá xe buýt tháng 7-2013, trung tâm thanh toán 80% phần trợ giá doanh nghiệp vận tải đã thực hiện (theo mức lương tối thiểu vùng 2 triệu đồng/tháng). Riêng đối với khoản tiền trợ giá đã thanh toán cho các doanh nghiệp vận tải từ ngày 1-1-2013 đến hết tháng 6-2013 (theo mức lương tối thiểu vùng 2.350.000 đồng/tháng), trung tâm sẽ thu hồi phần chênh lệch so mức lương 2 triệu đồng/tháng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.