(HNMO) - Từ thực tiễn thí điểm cách đây hơn 10 năm, đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tạo cơ sở quyền làm chủ của người dân được thực hiện tốt hơn.
Sáng 18-11, trao đổi với HNMO bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, thực hiện theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND tại 5 huyện, 19 quận và 259 phường.
“Bắt tay vào thực hiện (năm 2009), thành phố Hồ Chí Minh có sự phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố và UBND các quận, huyện, phường trong danh sách thí điểm. Sự phân định này có nhiều khác biệt song cũng có nhiều nét giống với dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội lần này”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.
Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, tổng kết 6 năm thực hiện thí điểm đã chỉ ra 3 việc lớn. Thứ nhất, bộ máy hành chính nhà nước các cấp ở địa phương bảo đảm hoạt động ổn định và thông suốt, bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý. Các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố không bị tác động, bảo đảm sự phát triển liên tục. Những vấn đề phát sinh của thành phố được giải quyết tốt.
“Thứ hai, quyền làm chủ của nhân dân ở các cấp vẫn được phát huy tốt. Các tổ chức đoàn thể, mặt trận, UBND các quận, huyện, phường định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổ chức các hội nghị thông tin tình hình hoạt động đến người dân. HĐND thành phố đều có tổ đại biểu hoạt động ở tất cả các quận, huyện, phường, xã để đại diện cho người dân, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân", đại biểu nêu.
“Trong dự thảo đề án thí điểm của Hà Nội lần này cũng vậy, không tổ chức HĐND ở phường không có nghĩa là không còn HĐND mà là tổ chức lại, cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tại đó phù hợp hơn. HĐND quận sẽ là cơ quan đại diện cho tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân để quyết định những vấn đề tại khu vực. Nhờ đó, quyền làm chủ của nhân dân vẫn sẽ được phát huy tốt”, nữ đại biểu Đoàn thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Đại biểu lý giải: “Trong thực tiễn trước đây, kiến nghị, phản ánh của nhân dân ở cấp nào sẽ do cơ quan HĐND cấp đó thụ lý và giải quyết. Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, những phản ánh của nhân dân được chuyển thẳng tới HĐND thành phố nên phát huy hiệu quả, hiệu lực tốt và nhanh hơn.
Ví dụ phản ánh về một con đường bị hư hỏng, xuống cấp của cử tri được tiếp nhận và giải quyết chỉ ngay sau một tuần. Sự giám sát của HĐND cấp thành phố bao giờ cũng mạnh và nhanh hơn. Chính người dân đã đánh giá và cảm nhận được hiệu lực, hiệu quả từ mô hình này đã đáp ứng đúng nhu cầu của thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phân tích.
Nội dung tổng kết thứ ba được đại biểu nêu là năng lực hoạt động của HĐND không suy giảm mà được nâng lên. Lý do bởi khi không tổ chức HĐND cấp phường thì các đại biểu HĐND cấp quận được tăng thẩm quyền; tăng năng lực, quy mô và điều kiện hoạt động để đáp ứng nhiệm vụ được giao cũng đã tăng.
“Qua 6 năm hoạt động của thành phố khi thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện và phường, người dân đánh giá năng lực hoạt động của HĐND thành phố được nâng lên, quyết định nhiều vấn đề phù hợp với sự phát triển của thành phố”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.
Cùng về nội dung này, đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
Khi thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12, quyền đại diện của người dân, quyền giám sát của HĐND cũng như các quyền và nhiệm vụ khác được chuyển giao cho cơ quan, đơn vị khác thực hiện. Do đó, tôi mong muốn cơ quan trình, soạn thảo dự thảo Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu, sẽ có sự rà soát, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung cụ thể hơn về sự chuyển giao, phân quyền, trách nhiệm cho các cơ quan khác thực hiện vai trò đại diện cho người dân.
Việc ai thực hiện, cách thức thực hiện như thế nào chắc chắn sẽ kế thừa được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá từ việc thực hiện thí điểm cách đây 10 năm.
Tôi đã thấy trong Tờ trình của Chính phủ nêu ra có nhiều cách thực hiện, như phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, HĐND cấp quận, vai trò của đại biểu Quốc hội để thực hiện quyền giám sát, quyền đại diện của nhân dân tại các phường không tổ chức HĐND, tổ chức lấy ý kiến, mở rộng đối tượng tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri của quận…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.