Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thiếu hàng hóa trong dịp Tết, giá cả không đột biến nhiều

Lan Hương| 24/01/2013 11:50

(HNMO) - Sáng 24-1, liên Bộ Công thương - Tài chính - Nông nghiệp PTNT đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ.


Hà Nội chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 6.000 tỷ đồng

Báo cáo về công tác dự báo thị trường và hàng hóa phục vụ Tết, thông tin từ Sở Công thương Hà Nội cho biết: Dự kiến nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ Tết sẽ tăng từ 20 – 25% so với các tháng bình thường trong năm. Đến nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị được trên 85 triệu lít bia các loại, khoảng 13 triệu chai rượu, trên 17.000 tấn bánh, mứt, kẹo; trên 15 triệu lít sữa các loại phục vụ nhân dân trong dịp Tết và khoảng 28 nghìn tấn các loại sản phẩm gia vị, nước mắm các loại. Ngoài ra, một số loại bánh mứt kẹo, rượu bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu chiếm khoảng 10 – 15% tổng lượng hàng tiêu thụ Tết.

Bên cạnh đó, đối với các nhóm hàng thiết yếu (tập trung vào thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ) các doanh nghiệp đã có chuẩn bị tăng 20-25% so với các tháng thường trong năm. Đáng chú ý, với các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ, bán ra thị trường với giá ổn định đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

Nhìn chung, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa trên, Sở Công thương khẳng định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.



“Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo việc bình ổn giá trong dịp Tết nguyên đán, tăng cường đưa hàng về nông thôn; liên kết với các tỉnh Bắc bộ đảm bảo cung ứng hàng hóa hai chiều, nhất là với mặt hàng rau của quả an toàn, gia cầm, trứng. Phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát, cân đối cung cầu… Tuy nhiên, Sở cũng đề xuất các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường từ xa; kiểm soát việc tăng giá xăng dầu và điện...làm đội chi phí giá thành sản xuất hàng hóa” – ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công thương nói.

Bổ sung thêm ý kiến về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNTN cho biết: Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước với 722 trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, thủy sản nuôi trồng của Hà Nội cũng phát triển mạnh… do đó đảm bảo nguồn cung dịp Tết. Vừa qua, trên địa bàn Hà Nội có biến động về giá như trứng tăng do chi phí đầu vào cao và một số công ty mua làm bánh kẹo dịp tết, hiện giá đã ổn định. Mặt khác, rau vừa qua tăng (15-30%) do rét đậm, rét hại. Mặt hàng rau trong thời gian tới có khả năng tăng nhưng không đột biến nhiều vì thời tiết đã ấm hơn và rau trồng được thu hoạch nhanh. Hà Nội hiện cung cấp được 60% lượng rau, còn lại lấy từ các tỉnh lân cận.

Đại diện cho phía doanh nghiệp thực hiện việc chuẩn bị hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Sơn – Tống Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) bày tỏ: Hapro đã tập trung toàn bộ lực lượng chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm. Hiện Tổng công ty đã dự trữ 18 mặt hàng thiết yếu, trong đó có 10 mặt hàng bình ổn giá. Hiện chưa có biến động giá từ các nhà cung cấp, đó là tín hiệu vui cho thị trường. Tổng công ty sẽ bán hàng tết tại 179 điểm trên địa bàn TP, trong đó có 57 điểm bán hàng bình ổn giá. Đặc biệt năm nay TP cho phép Hapro mở thêm 300 điểm bán hàng Tết ngoài trời (kéo dài từ 15 đến 28 Tết); Bố trí một số điểm bán hàng đến giao thừa, bán hàng từ mùng 1 -3 tết phục vụ khách du lịch tại Hà Nội. Từ mùng 4 tết, toàn hệ thống bán hàng của Hapro sẽ mở cửa trở lại. Ngoài ra, từ nay đến Tết, Tổng công ty sẽ tổ chức 45 chuyến bán hàng lưu động về các khu đông dân, vùng ngoại thành, khu công nghiệp; mở thêm 5 điểm bán hàng Tết ở các huyện ngoại thành.

Từ công tác bán hàng thực tế của đơn vị phân phối hàng lớn nhất của Hà Nội này, ông Sơn dự báo trong dịp Tết sẽ không biến động nhiều về giá, lượng và nhu cầu. Đặc biệt với mặt hàng thiết yếu là rau xanh, Tổng công ty thương mại Hà Nội cam kết không tăng giá rau từ nay đến Tết dù giá rau có tăng cao (doanh nghiệp chấp nhận bù lỗ).

Cần bình ổn giá để kiểm soát tốt thị trường

Sau khi nghe các ý kiến từ phía đại diện của Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính bày tỏ ý kiến đánh giá cao việc Hà Nội năm nay làm tốt công tác dự trữ hàng hóa, chọn ra 10 mặt hàng bình ổn giá… Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng chia sẻ việc năm 2013 có nhiều áp lực tăng chi phí đẩy SXKD làm tăng giá cả hàng hóa như giá xăng dầu, điện… Với mặt hàng xăng dầu, liên bộ Công thương – Tài chính sẽ cố gắng kiểm soát việc tăng giá bằng các quỹ bình ổn, giảm phí. Tuy nhiên về mặt hàng điện phải tăng giá theo lộ trình từ nay đến năm 2015.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đánh giá việc chuẩn bị hàng hóa của Hà Nội trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Tỵ rất tốt. Đáng chú ý, trong công tác chuẩn bị hàng hóa năm nay của Hà Nội có nhiều điểm mới, đó là từ 10 nhóm hàng, 15 DN tham gia bình ổn với 376 tỷ đồng “bơm” ra từ TP; nhưng đến nay các DN đã chủ động dự trữ tới 6000 tỷ đồng hàng hóa. Nhóm DN và các đối tượng tham gia vào chương trình chung của TP tăng lên từ các làng nghề… Điểm bán hàng Tết được tăng cường hơn ở nội thành và các vùng sâu, vùng xa. TP cũng đã kết hợp tốt việc chuẩn bị hàng hóa với chương trình “Người VN dùng hàng VN” và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công thương cũng đánh giá cao những điểm bán phục vụ cả tết cho khách quốc tế của Hapro.

Tuy vậy, bà Thoa cũng giải thích về việc hiện có nhiều ý kiến cho rằng việc bình ổn giá là phi thị trường; nhưng để dập tắt các yếu tố đầu cơ và nhằm mục đích dẫn dắt thị trường, nên các DN tham gia bình ổn được hỗ trợ kinh phí để bán hàng rẻ hơn thị trường từ 5-10%.

Bà Thoa cũng nhận định: Trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hàng dù có mặt hàng TP chỉ cung cấp được 60% nhưng có nguồn từ các địa phương khác. Riêng với mặt hàng trứng vừa qua có biến động giá, đoàn Bộ Công thương và, Sở Công thương đã làm việc với 2 DN cung cấp, đều thừa nhận tăng giá bất hợp lý (không tăng đầu thu mua, chỉ tăng bán). Hiện Cục quản lý canh tranh đang làm việc với Công ty CP, nếu DN này có thị phần trên 30% nhưng tăng giá trứng bất hợp lý sẽ bị xử phạt.

Ngoài ra, bà Thoa cũng lưu ý Hà Nội về việc nguồn cung, đặc biệt về thực phẩm và rau xanh không thiếu nhưng lưu ý vấn đề bảo quản, chất lượng vệ sinh ATTP. Hà Nội đã làm tốt công tác xã hội hóa, phấn đấu trong thời gian tới giảm dần vốn vay từ quỹ bình ổn, tăng lượng DN bán. Bộ cũng đề nghị Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trả lời ý kiến của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: TP rất nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Hà Nội đã chuẩn bị rất sớm các chân hàng, nắm bắt giá cả thị trường Tết. Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết với sự ra quân đồng bộ của các sở, ngành, quận, huyện. Theo đó, Phó Chủ tịch tin tưởng, Hà Nội có đủ lượng hàng hóa, đảm bảo cho nhân dân đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thiếu hàng hóa trong dịp Tết, giá cả không đột biến nhiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.