(HNM) - 1. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đầu tư công được coi là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt 34,96% kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020), chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, dù tỷ lệ này có cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy rõ sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra vào sáng 16-7 vừa qua. Sự quyết liệt này, một phần do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhưng phần nhiều là do sự thiếu quyết tâm của một số địa phương. Bởi, cùng một cơ chế nhưng nơi làm tốt, nơi ì ạch, nhận tiền xong không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, để lượng vốn lớn không được giải ngân.
Thực tế từ nhiều năm qua, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là “điểm nghẽn” lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Điển hình là tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vã”, “có tiền mà không tiêu”, “có khối lượng công việc hoàn thành mà chậm thanh toán”, nợ văn bản hướng dẫn, công văn “trao đi đổi lại” giữa địa phương với bộ, ngành trung ương mất hàng tháng trời… Suy cho cùng đó vẫn là câu chuyện thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm với công việc.
Nói cách khác, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ vẫn từ chủ quan là chính. “Điểm nghẽn” lớn trong triển khai dự án đầu tư công vẫn là sự trì trệ của những người có trách nhiệm thực thi công việc.
2. Tại hội nghị về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức ngày 16-7, biểu dương các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bài học của tỉnh Ninh Bình. Đó là HĐND tỉnh này mỗi tháng họp một lần thay vì 6 tháng họp một lần như nhiều địa phương khác để xử lý ngay mọi vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Hay tỉnh Nghệ An, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tới 60%, gần gấp đôi tỷ lệ chung cả nước, là bởi phần lớn những dự án quan trọng đều do một phó chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo, xử lý vụ việc, kể cả việc giải ngân vốn. Từ thực tế này, Thủ tướng nêu rõ, "bệnh" quan liêu không đi sâu, đi sát với công việc mà chỉ nói chung chung là căn nguyên khiến nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Về giải pháp trị "bệnh" có tiền không tiêu, có khối lượng công việc hoàn thành mà không thanh toán, từ tháng 8-2020, Chính phủ sẽ thực hiện điều chuyển vốn từ dự án, bộ, ngành, địa phương “không chịu tiêu” sang dự án, bộ, ngành, địa phương làm tốt. 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng làm trưởng đoàn bắt đầu trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương. Cùng với đó, các bộ, ngành phải có chương trình hành động cụ thể; người đứng đầu tổ chức giao ban, báo cáo thường xuyên công tác này và xử lý cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm “chỉ nói mà không làm”. Lãnh đạo cấp tỉnh hỗ trợ cấp huyện, cấp huyện hỗ trợ cấp xã tháo gỡ vướng mắc; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, lấy việc giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá khen thưởng, kỷ luật cán bộ… để tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ.
Với sự tham dự hội nghị của 45 Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, bí thư, chủ tịch các địa phương, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Từ công trình giải quyết tiền lương, từ công trình giải quyết việc làm cho hàng triệu người, vì vậy phải nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị của các cấp, ngành”.
Để tạo sức bật vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, mục tiêu từ nay đến hết năm 2020 là phải giải ngân xong 633.000 tỷ đồng, tương đương 28 tỷ USD vốn đầu tư công. Với tỷ lệ giải ngân 34,96% trong nửa đầu năm, rõ ràng phần việc trong những tháng còn lại là rất lớn, đòi hỏi mỗi địa phương, bộ, ngành phải có giải pháp đột phá, với quyết tâm, nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần. Không thể để sự trì trệ cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Đó là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, bởi sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ dẫn đến sự trì trệ trong phát triển đất nước, ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người lao động.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư. Giờ là lúc từ quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công - một vấn đề cấp thiết hiện nay, phải được chuyển hóa thành quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu mỗi cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.