(HNM) - 55 tỷ đồng hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011 nhằm thực hiện mục tiêu đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và các địa phương còn khó khăn trên phạm vi toàn quốc.
1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, 5.000 DN tham gia bán hàng tại 50 hội chợ. Kiểm tra, xử lý hơn 79.000 vụ buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép... Đây là những con số "nóng" về tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong 5 tháng đầu năm 2011...
Tìm chỗ đứng trong lòng người Việt
Chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn” được triển khai sâu rộng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh:TTXVN
Tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2011 của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 5 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm do Ban Chỉ đạo TƯ CVĐ này tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Hiện nay, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng rộng rãi, vững chắc hơn trong lòng người Việt. Kết quả đó có sự hỗ trợ quan trọng của người tiêu dùng. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là CVĐ mang lại lợi ích cho chính các nhà sản xuất trong nước; CVĐ là động lực đưa đất nước phát triển bền vững và vì thế CVĐ có tính chất lâu dài, bền bỉ đòi hỏi người dân nêu cao hơn nữa tinh thần hỗ trợ, ủng hộ, ưu tiên dùng hàng Việt, các nhà sản xuất cũng cần phấn đấu để nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả sản phẩm.
Một trong những kết quả nổi bật của việc triển khai CVĐ trong 5 tháng đầu năm được ghi nhận là, số lượng DN tham gia hưởng ứng CVĐ tăng cao, các đợt đưa hàng về nông thôn được tổ chức đều đặn mỗi tháng/1 đợt... Đặc biệt, số lượng người dân tham quan, mua hàng Việt cũng tăng đáng kể. 70% dân số nước ta sống ở nông thôn, đưa CVĐ đến với bà con nông dân luôn là mục tiêu số một. Thực hiện CVĐ, Hội Nông dân mỗi năm tổ chức nhiều hội chợ nông sản, hàng hóa, với khoảng 250-300 mặt hàng và có các giải pháp đưa hàng về cơ sở bằng cách tổ chức hội chợ nhỏ đến từng vùng, mở rộng mô hình sàn giao dịch nông sản, giúp bà con nắm bắt giá cả các mặt hàng, dễ dàng lựa chọn sản phẩm cần thiết. Song, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho biết, qua khảo sát, hiện 50% người dân nông thôn chưa hiểu về CVĐ.
Tại Thủ đô Hà Nội, Ban chỉ đạo CVĐ thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong đó tổ chức được 53 điểm bán hàng giảm giá với sự tham gia của 23 doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn triển khai, tổ chức Tuần bán hàng vì người tiêu dùng và tổ chức 398 điểm bán hàng bình ổn giá cùng nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm chất lượng, giá cả hàng hóa bán ra thị trường cũng được tăng cường, chỉ trong quý I vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra phát hiện hơn 1.500 vụ, xử lý hơn 1.400 vụ hàng hóa không bảo đảm, thu 1,4 tỷ đồng tiền phạt.
Tập trung khắc phục hạn chế
Tuy có được những kết quả đáng mừng, song hiện nay, sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cụ thể là, các sản phẩm công nghiệp hóa chất sản xuất mới đáp ứng được 73% nhu cầu của người tiêu dùng, phân bón được 70%; các sản phẩm xăng dầu mới đáp ứng 37,3%, thép 41,3%, sản phẩm hóa chất cơ bản cũng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng; vải may mặc được 30% vải, 60% sợi; 59,3% về giấy; 48,4% thuốc chữa bệnh... Trong khi đó, tỷ lệ nhập siêu của nước ta vẫn khá lớn, tập trung nhóm thiết bị phụ tùng. Năm 2010, nhập nguyên liệu phụ kiện 35,6 tỷ USD; hóa chất 7 tỷ USD, vải may mặc 8 tỷ USD; xăng dầu 6 tỷ USD...
Để CVĐ tiếp tục được đẩy mạnh, theo ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trước mắt, cần tập trung khắc phục những hạn chế như nhiều bộ, ngành chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện CVĐ, các giải pháp thực hiện còn chung chung, hô hào là chính, tiến hành theo "thời vụ"; việc đôn đốc của một số ban chỉ đạo CVĐ ở địa phương còn lúng túng; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; kinh phí và điều kiện phục vụ việc triển khai CVĐ còn hạn hẹp... Theo ông Vũ Trọng Kim, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng để nắm bắt, chỉ đạo giải pháp cần thiết thúc đẩy CVĐ, nên có quy định đảng viên gương mẫu trong sản xuất, tiêu dùng hàng nội như là một tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ; thành lập Ban chỉ đạo CVĐ ở cấp huyện là việc làm cần thiết để CVĐ được triển khai đến khắp các địa bàn dân cư.
Đại diện nhiều bộ, ngành đều mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện quy phạm pháp luật, cơ chế hỗ trợ DN, tôn vinh DN và tăng cường giao lưu giữa các bộ, ngành, để nắm bắt, khắc phục kịp thời các khuyết điểm, yếu kém. Các cơ quan quản lý nhà nước công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng nhập ngoại, nhất là các sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến cuộc sống để người tiêu dùng lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.