(HNM) - Nhà ở xã hội tiếp tục là vấn đề
Việc nhiều doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội tạo nên "làn sóng" mới trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra không ít vấn đề với những nhà hoạch định chính sách.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước có gần 160 dự án nhà ở xã hội, nhưng đa phần vẫn "nằm trên giấy". Nhiều dự án hiện chưa tiến hành xong việc giải phóng mặt bằng, nhiều dự án nằm ở vị trí không thuận lợi, chưa đấu nối hạ tầng với các khu vực xung quanh nên khó có thể thu hút khách hàng. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp chuyển hướng dự án sang nhà ở xã hội vì lý do tài chính (họ buộc phải chuyển đổi để được hưởng các ưu đãi từ chính sách miễn, giảm tiền đất, tiền thuế, được vay vốn với lãi suất thấp, có đầu ra cho sản phẩm…). Điều này cũng gây nghi ngại cho nhiều khách hàng bởi không ít người mua nhà đã lãnh đủ khi bị mắc kẹt tại các dự án thương mại mà chủ đầu tư không có tiền triển khai. Người mua nhà ở xã hội không có nhiều tiền nên không thể đặt lòng tin vào các chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính...
Việc xin chuyển đổi nhiều dự án sang làm nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước và có đầu ra cho sản phẩm là yêu cầu tự thân cấp thiết của doanh nghiệp, cũng là chuyện không phải bàn nhiều. Việc các địa phương cấp phép cho nhiều dự án (đủ điều kiện) chuyển đổi cũng không trái với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, làm thế nào để các dự án chuyển đổi này phát huy hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp, người mua và thị trường lại là điều rất đáng quan tâm. Vấn đề này phụ thuộc vào trình độ thẩm định, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong ngành xây dựng, bất động sản bởi chỉ có họ mới nắm rõ nhất quy hoạch để đánh giá, xem xét việc chuyển đổi dự án có mang đến hiệu quả tốt nhất hay không.
Một vấn đề nữa rất đáng quan tâm là hiện nay có nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp và cũng có nhiều dự án nhà ở thương mại giá còn rẻ hơn nhà thu nhập thấp. Nếu ở thời điểm hiện tại, nguồn cung về nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhưng với việc phát triển hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nguồn cung ra thị trường sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến sự phát triển ồ ạt và dư thừa so với nhu cầu. Một khi nhà ở xã hội rơi vào tình trạng ế ẩm thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ phải gánh chịu không ít hệ lụy.
Những chính sách ưu đãi của Nhà nước và đặc biệt là gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ tạo cơ hội sở hữu nhà cho nhiều gia đình, đồng thời cũng là đòn bẩy kích thích thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các chính sách chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người dân mua nhà và được điều tiết một cách hợp lý nhằm bảo đảm cân bằng cung cầu.
Chúng ta đã nhận được quá nhiều bài học về sự phát triển "nóng", do vậy không thể để nhà ở xã hội phát triển theo phong trào...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.