(HNM) - Thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang tồn tại rất nhiều bất cập, từ khâu sản xuất, kinh doanh đến công tác quản lý. Thực trạng đáng báo động này khiến người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất...
Phát triển “nóng”, "vàng thau lẫn lộn" là vấn đề được nói tới nhiều khi đề cập đến thị trường thực phẩm chức năng. Bên cạnh số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm thực phẩm chức năng nở rộ như “nấm mọc sau mưa”, thì số người dân có nhu cầu tìm hiểu, sử dụng mặt hàng này với mục đích hỗ trợ sức khỏe cũng không ít. Đáng lẽ, song hành với sự phát triển, công tác quản lý phải đồng bộ, kịp thời thì ngược lại, thị trường lại đang bị thả nổi, thiếu minh bạch; các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đến nay, mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng. Như vậy là chưa đủ, chưa nói là vẫn còn bất cập. Bởi, khi có những việc vượt thẩm quyền của Bộ Y tế như Luật Đầu tư quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh cấp phép đều do Chính phủ ban hành, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý mặt hàng này chưa chặt chẽ. Lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng để có thể cảnh giác, tẩy chay sản phẩm.
Việc lưu thông thực phẩm chức năng cũng đang làm các nhà quản lý đau đầu tìm cách tháo gỡ. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp phân phối mặt hàng này theo mô hình đa cấp, giá trị thật của sản phẩm bị đại lý đẩy “một tấc đến trời”, ví sản phẩm như “siêu thuốc”, làm cho người dân mù mờ về thông tin, thậm chí hiểu sai về thực phẩm chức năng và trong số đó có không ít người còn bị cuốn vào vòng xoáy kinh doanh đa cấp biến tướng.
Rõ ràng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng bất chính thì thu về lợi nhuận lớn, trong khi người dân mong muốn được sử dụng sản phẩm hỗ trợ sức khỏe lại rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” mà không biết kêu ai. Thực tế này cần được ngăn chặn.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra kẽ hở để ngăn chặn, góp phần quản lý tốt hơn, không để sản phẩm thực phẩm chức năng đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước. Theo đó, song song với việc hoàn thiện khung pháp lý trên cơ sở có tính đến sự tương đồng với khu vực và quốc tế, thì cũng cần quy định cụ thể về giá mặt hàng này để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng đẩy giá khiến nhiều người dân, nhất là dân nghèo vùng nông thôn khó tiếp cận.
Một nguyên tắc nữa cần tính tới trong tạo hành lang pháp lý là cùng với việc ưu tiên bảo đảm sức khỏe con người thì phải quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc trong lĩnh vực thực phẩm chức năng mở rộng kinh doanh để phát triển. Thực tế, người Việt đã có bề dày kinh nghiệm và bí quyết sử dụng nhiều bài thuốc quý từ hàng trăm năm, đây là thế mạnh mà nếu cơ chế, chính sách quản lý đủ chặt chẽ, đồng bộ thì Việt Nam có thể trở thành quốc gia có chỗ đứng vững chắc về thực phẩm chức năng. Muốn vậy, bản thân các doanh nghiệp phải khắc phục kiểu làm ăn chụp giật, tập trung đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, bảo đảm an toàn sản xuất; minh bạch trong quảng cáo, công bố chất lượng... để tạo ra sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Về phía người tiêu dùng, cần hiểu rõ thực phẩm chức năng là “sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.