Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể mặc kệ hoặc cấm kinh tế chia sẻ

Theo Chinhphu.vn| 21/02/2019 15:31

Cách tiếp cận là tạo điều kiện ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP


Chiều 20-2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ.

Việc xây dựng Đề án này được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai xây dựng cách đây đúng một năm, tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 8-2-2018.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về kinh tế chia sẻ

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cho ý kiến lần đầu về Đề án có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo, đại diện của nhiều bộ, ngành đang có liên quan tới kinh tế chia sẻ như giao thông vận tải, ngân hàng (lĩnh vực cho vay ngang hàng), xây dựng (codotel, officetel), du lịch (dịch vụ phòng ở), công thương (thương mại điện tử), khoa học và công nghệ, tư pháp, tài chính, công an.

Đại diện các bộ, ngành đều đồng tình với Bộ KH&ĐT khi nhìn nhận kinh tế chia sẻ (sharing economy) là phương thức kinh doanh mới, tận dụng lợi thế phát triển công nghệ để tiết kiệm chi phí giao dịch, tiếp cận được lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số và đa số đều khẳng định là xu thế phát triển kinh tế.

Trên thế giới, kinh tế chia sẻ phát triển mạnh trong hơn 10 năm qua nhờ ứng dụng công nghệ số, nổi lên ở 6 nhóm ngành nghề: Vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở, bán lẻ trực tuyến, lao động việc làm, dịch vụ tài chính cho vay vốn, quảng cáo trực tuyến. Bộ KH&ĐT dự báo trong tương lai sẽ còn nhiều ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề, dịch vụ khác phát triển theo mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ.

Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh nhưng có nhiều tiềm năng. Hiện nay, trong nước đã xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới, trong đó nổi lên là các loại hình vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng, đều là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ KH&ĐT đánh giá kinh tế chia sẻ có những ưu điểm là tăng nguồn thu thuế cho nhà nước, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường; người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ, sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển và cơ cấu lại bộ máy quản lý, điều hành trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh ưu điểm thì mô hình này có những bất cập là chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời có sự giao thoa với các ngành nghề kinh doanh truyền thống gây khó cho quản lý nhà nước; khó quản lý kê khai thuế do mô hình này sử dụng hợp đồng, hóa đơn điện tử trong khi pháp luật hiện hành chỉ quy định về hóa đơn giấy.

Một bất cập nữa là hệ thống pháp luật chưa quy định về thông tin trên mạng đối với các tổ chức hay cá nhân nước ngoài có hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó cho cơ quan quản lý khi yêu cầu các tổ chức, cá nhân này cung cấp thông tin, giao dịch tại Việt Nam để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và thu thuế.

Trong quản lý mô hình kinh tế này, Bộ KH&ĐT cho biết, các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung không có pháp luật chung mà điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực, từng ngành. Việt Nam chưa có các chính sách quản lý, ngoài trường hợp thí điểm với dịch vụ vận tải theo hợp đồng điện tử.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ, ngành nghề trên nền tảng chia sẻ đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao thông đường bộ và kể cả các luật pháp về thông tin, thương mại điện tử.

Bảo đảm nguyên tắc có kinh doanh - có nộp thuế

Cho ý kiến vào Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực tiễn trên thế giới chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ, đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng xử với loại hình mới này.

“Nếu để có một nghị định hay một luật để quy định chung về kinh tế chia sẻ sẽ rất khó để xây dựng và triển khai vì thực tiễn của loại hình này thay đổi rất nhanh so với các quy định. Cần xây dựng ngay các quy định để điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực còn nhạy cảm, khó kiểm soát như lĩnh vực cho vay ngang hàng dễ biến tướng thành cho vay nặng lãi (đang được NHNN xây dựng Đề án trình Chính phủ), nhưng quản lý nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này.

“Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ với các bộ, ngành.

Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay trên thế giới mới có duy nhất Đan Mạch đã có chiến lược về kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, “chiến lược này chỉ gọn trong một tờ A4, không cụ thể mà chỉ là tư tưởng, chỉ đạo chung về sự ủng hộ của Chính phủ cho kinh tế chia sẻ một không gian sống, nhưng khi triển khai thì cần đi vào một số lĩnh vực rõ ràng để quản lý được”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Bùi Thế Duy cho biết, công nghệ sẽ tiếp tục phát triển và các hình thức kinh tế chia sẻ, kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú. Ông Duy đồng tình với các lĩnh vực nào có sự hiện diện rõ ràng của kinh tế chia sẻ thì cần sớm có các quy định pháp luật và điều chỉnh chính sách theo sự thay đổi của thực tiễn. Thứ trưởng Bùi Thế Duy dẫn chứng tại Hoa Kỳ, Chính phủ đã cho phép từng cá nhân sở hữu ô tô tham gia dịch vụ vận tải trực tuyến.

Từ thực tiễn hoạt động của “taxi công nghệ” tại Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ này đã hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải trên tinh thần công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống và quy định về hợp đồng điện tử, làm căn cứ để quản lý và thu thuế.

Vụ trưởng Vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng nhận định: “Làm gì thì làm mà nhà nước không thu được thuế là thất bại của quản lý nhà nước nên cần phải bắt tay vào để có các quy định quản lý. Facebook và Google là các nền tảng lớn đang thu rất nhiều tiền của chúng ta nên ta cũng phải tính toán thu thuế các đơn vị này, một số các quốc gia trên thế giới và ngay cả khu vực như Thái Lan họ đã và đang làm”.

Về phạm vi công việc của NHNN, ông Dũng cho biết, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ về đề án thí điểm cho vay ngang hàng, trình lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để quản lý tốt, ông Dũng và lãnh đạo các bộ đều cho rằng cần đẩy mạnh xây dựng mạng thông tin dùng chung của các bộ, ngành, địa phương có kết nối tới hệ thống doanh nghiệp để bảo đảm việc quản lý, thu thuế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao thêm cho các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc làm, hợp đồng lao động, quản lý thuế, đánh giá các tác động của kinh tế chia sẻ với kinh tế và các vấn đề xã hội.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị không cần luật chung hay nghị định của Chính phủ về kinh tế chia sẻ mà nên điều chỉnh các quy định của pháp luật ở từng lĩnh vực cụ thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể mặc kệ hoặc cấm kinh tế chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.