Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể kết thúc đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của thanh niên

Xuân Lộc| 01/12/2022 11:50

(HNMO) - Con đường lây truyền chính của HIV là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 74,6%), chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên. Do vậy, không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của thanh niên.

 Huyện Gia Lâm diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2022 “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12), Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10-11 đến 10-12) với chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, cho đến tháng 10-2022, cả nước có khoảng 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và trên 112.360 người nhiễm HIV đã tử vong. 

Trong 10 tháng năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (chiếm 48,6%) và 30-39 tuổi (chiếm 28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (chiếm 81,6%).

Nhờ triển khai linh hoạt nhiều hoạt động, mô hình, giải pháp hiệu quả, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Phan Thị Thu Hương cho rằng, xu hướng dịch HIV/AIDS có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nếu như 15 năm trước, mỗi năm, chúng ta phát hiện hơn 30.000 người nhiễm HIV thì những năm gần đây, số lượng người nhiễm giảm tới 60% (từ 10.000 đến 12.000 ca nhiễm mỗi năm).

Dù vậy, theo bà Phan Thị Thu Hương, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn bởi vì thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người nhiễm HIV ở lứa tuổi trẻ. Chính vì vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay tập trung nhiều hơn vào nhóm thanh niên. 

“Con đường lây truyền chính của HIV là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 74,6%), chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên. Do vậy, không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của thanh niên”, bà Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh. 

 Tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cho nam thanh niên. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, về kiến thức và thái độ phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%.

Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên. Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, theo kết quả điều tra, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 1 bạn tình (chiếm 14%). Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...

“Việc lựa chọn chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”, bà Phan Thị Thu Hương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể kết thúc đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của thanh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.