(HNM) - Gần đây, dư luận vô cùng phẫn nộ trước thông tin ông Nguyễn Thanh Thúy, tức
LTS - Gần đây, dư luận vô cùng phẫn nộ trước thông tin ông Nguyễn Thanh Thúy, tức "cậu Thủy" được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) thuê đi tìm hài cốt liệt sĩ với kinh phí lên đến 7,9 tỷ đồng. Trong khi toàn xã hội đang tận tâm tận lực cho việc làm mang ý nghĩa cao đẹp này thì hàng chục ngôi mộ liệt sĩ có dấu hiệu làm giả vẫn được NHCSXH dễ dàng chi tiền, bất chấp những cảnh báo, phản đối của Sở LĐ,TB&XH, Ban Chỉ huy quân sự các địa phương. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có khuất tất gì trong hành động "bơm" tiền quá dễ dãi của NHCSXH cho "cậu Thủy"? Và số lượng tiền "khủng" này đã được sử dụng ra sao? Chân tướng "cậu Thủy" thực chất là người như thế nào?…
Bài 1: Sự dễ dãi khó hiểu
Khi bỏ rất nhiều tiền thuê người khác làm việc thì tất nhiên người thuê phải nắm được hiệu quả công việc. Nhưng không hiểu vì sao, NHCSXH dễ dàng bỏ một khoản tiền lớn mà lại không cần biết chính xác đó có thực sự là hài cốt liệt sĩ không, là của liệt sĩ nào? Sự tin tưởng thái quá với ông Thúy cũng như việc dễ dàng giải ngân hàng tỷ đồng khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa "cậu Thủy" và NHCSXH...
Chân dung “cậu Thủy”. |
Mập mờ nguồn quỹ
Những ngày qua, ngay sau khi hành vi dùng xương động vật để giả mạo hài cốt liệt sĩ của "cậu Thủy" bị phát giác, dư luận một lần nữa xôn xao trước việc NHCSXH Việt Nam mạnh tay chi số tiền lên tới 7,9 tỷ đồng để "nhờ" "cậu Thủy" đứng ra tìm kiếm mộ liệt sĩ. Trước bức xúc của dư luận xung quanh việc hình thành và sử dụng nguồn quỹ, đại diện NHCSXH Việt Nam đã đưa ra lời giải thích khá cụ thể.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Chủ tịch Công đoàn NHCSXH, sự việc bắt nguồn từ dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2012), khi đoàn cựu chiến binh của NHCSXH tổ chức chuyến đi thăm và dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Trường Sơn, NTLS Đường 9 và NTLS Thành cổ Quảng Trị. Sau chuyến đi đó, một số cán bộ NHCSXH từng chiến đấu tại mặt trận phía Nam đã viết bức "tâm thư" gửi lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, đề nghị tổ chức phát động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn nằm lại ở chiến trường. Nhận thấy đây là nguyện vọng chính đáng, Công đoàn NHCSXH đã báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc NHCSXH về việc tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Được sự đồng ý của lãnh đạo, Công đoàn NHCSXH đã làm văn bản kêu gọi các đoàn viên cùng tham gia và nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của cán bộ nhân viên toàn hệ thống. Ngay trong năm 2012, NHCSXH đã ban hành Quy chế thành lập và sử dụng nguồn quỹ cho chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Chi phí hỗ trợ cho việc hoàn tất quy tập một hài cốt liệt sĩ là 75 triệu đồng. Hiện nguồn quỹ này có tổng cộng gần 70 tỷ đồng, chủ yếu lấy từ số tiền đóng góp 2 ngày lương mỗi năm của khoảng 9.000 cán bộ, nhân viên thuộc NHCSXH.
Tuy nhiên, ngay trong phát ngôn của vị đại diện NHCSXH Việt Nam về sự hình thành nguồn quỹ đã bộc lộ nhiều vấn đề "tiền hậu bất nhất". Bởi lẽ trước đó, trong buổi trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng chính ông Nguyễn Hoàng Phương khẳng định: Nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do đoàn viên Công đoàn toàn hệ thống NHCSXH Việt Nam tự nguyện đóng góp. Ngoài ra còn có một số nhà hảo tâm, với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng. Vậy thực chất đâu mới là "tên thật" của nguồn quỹ này? Và số tiền trên 9,5 tỷ đồng hay gần 70 tỷ đồng mới là con số chính xác. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản có thể thấy, nếu nguồn quỹ lên tới gần 70 tỷ đồng như phát ngôn của ông Phương, với tổng số 9.000 cán bộ nhân viên của ngân hàng đóng góp 2 ngày lương mỗi năm, tương đương 36.000 ngày công lao động, trung bình mỗi ngày lương của một cán bộ NHCSXH là khoảng 1,94 triệu đồng. Điều đó có nghĩa, thu nhập trung bình của mỗi cán bộ NHCSXH lên đến 42,7 triệu đồng/tháng (!?). Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 - Điều 3 - Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ "Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện", quy định rõ: ""Quỹ" là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, di chúc... được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, công nhận điều lệ". Cũng theo Khoản 4 - Điều 4 của nghị định này, nguyên tắc hoạt động và quản lý tài chính của quỹ phải bảo đảm tính "công khai, minh bạch về thu, chi, tài chính, tài sản của quỹ". Vậy, câu hỏi được dư luận đặt ra: Quỹ Hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của NHCSXH đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thành lập hay chưa? Liệu số tiền nhiều tỷ đồng thu được từ sự đóng góp bằng chính ngày công lao động của hàng nghìn cán bộ nhân viên toàn hệ thống NHCSXH có được công khai, minh bạch trong thu, chi, khi mà chính những cán bộ nhân viên ngân hàng không hề biết chính xác số tiền lãnh đạo của họ hỗ trợ cho ông Thúy sau mỗi lần hoàn tất quy tập một hài cốt liệt sĩ? Rõ ràng, xung quanh việc thành lập nguồn quỹ "khủng" của NHCSXH đã cho thấy nhiều "mảng tối" cần phải được cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ.
Phóng viên Báo Hànộimới trao đổi với ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. |
"Bơm" tiền tỷ dễ như trở bàn tay
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Phương, cơ sở để ngân hàng này chọn "cậu Thủy" đi tìm hài cốt liệt sĩ là do trước đó "nắm bắt được thông tin ông Nguyễn Thanh Thúy đã đi tìm kiếm mộ liệt sĩ cho khá nhiều người". Như vậy, cho dù đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa của Công đoàn NHCSXH nhưng việc lựa chọn phương thức tìm mộ liệt sĩ dựa trên khả năng ngoại cảm của một cá nhân chưa được cơ quan chuyên môn xác định khả năng đặc biệt là một quyết định "khó hiểu và mạo hiểm" của lãnh đạo NHCSXH. Càng khó hiểu hơn khi mức giá cho việc hoàn tất quy tập hài cốt liệt sĩ đưa ra hoàn toàn dựa vào thỏa thuận giữa ông Thúy và NHCSXH, không hề có căn cứ nào. "Theo thông tin từ phía ông Thúy đưa ra, đối với mộ cá nhân thì được tìm với giá 150 triệu đồng. Nhưng đây là việc nghĩa của NHCSXH nên hai bên thống nhất giá trọn gói 75 triệu đồng là phù hợp" - đại diện ngân hàng đã phát biểu như thế với báo chí.
Trên thực tế, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẳng định, đối với những nhà ngoại cảm chân chính, họ chỉ đi tìm mộ liệt sĩ bằng cái tâm, không bao giờ đưa ra một cái giá trọn gói nào. Việc tri ân nhà ngoại cảm sau khi tìm thấy mộ liệt sĩ là chuyện "tùy tâm" của mỗi gia đình, nhiều trường hợp nghèo, khó khăn thì hoàn toàn miễn phí. Dư luận cho rằng, mức giá 150 triệu hay 75 triệu đồng là rất khó kiểm chứng, thiếu căn cứ và rất có thể, nó là sản phẩm "nâng giá - hạ giá" của một thỏa thuận phía sau nhằm hợp thức cho các khoản chi nào đó!
Sau thỏa thuận trên, ông Nguyễn Thanh Thúy đã phối hợp với NHCSXH tổ chức bốn đợt tìm kiếm mộ liệt sĩ tại Đắc Lắc, Bình Phước và Quảng Trị, tổng cộng tìm được hơn 100 mộ. Quy trình tìm kiếm mộ liệt sĩ được ông Thúy và ngân hàng thực hiện cũng hết sức đơn giản: Ngân hàng không có danh sách tên các trường hợp bộ đội hy sinh mà chỉ khoanh vùng địa điểm. Ngân hàng lên kế hoạch xác định địa điểm tìm kiếm trước với căn cứ là xem có những trận đánh, chống càn thời chiến rồi báo cho ông Thúy. Sau đó ông Thúy sẽ chỉ vị trí để tìm kiếm. Tại địa điểm tìm kiếm, hầu hết ông Thúy không phân biệt được đó là hài cốt của liệt sĩ nào, chỉ đưa ra kết luận là hài cốt liệt sĩ. Cụ thể, trong số hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm ra, ông Thúy chỉ đọc được khoảng 10 trường hợp có liên quan đến thân nhân liệt sĩ đang sống, số còn lại là vô danh. Các cơ quan chức năng đã khẳng định, để biết được chính xác có phải là hài cốt liệt sĩ hay không cần phải qua giám định AND. Nhưng đại diện NHCSXH cho hay, để xác định mộ hay hài cốt liệt sĩ, họ chỉ thông qua những di vật như cúc áo, bình tông, dép cao su… đào được ở các vị trí "cậu Thủy" phán. Sau khi tìm thấy hài cốt sẽ bàn giao lại cho Sở LĐ,TB&XH các địa phương là coi như "trọn gói". Một số hài cốt bàn giao cho các gia đình, họ có đi giám định AND hay không cũng không báo lại nên ngân hàng không nắm được(!?).
Lý giải này của vị đại diện NHCSXH càng khiến dư luận khó hiểu. Trên thực tế, nếu không còn xương cốt trong mộ thì cúc áo, dép cao su... là những manh mối rất dễ tạo dựng và không có nhiều ý nghĩa, giá trị chứng minh là hài cốt liệt sĩ để quy tập.
Đặc biệt hơn, khi các cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu không minh bạch trong việc quy tập mộ liệt sĩ, chính đại diện NHCSXH đã không kiểm tra, làm rõ mà lại có động thái "nhiệt tình quá mức", đề nghị địa phương nhanh chóng quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Trên Báo Tuổi trẻ ngày 31-10-2013, Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị - người chứng kiến toàn bộ cuộc khai quật tìm mộ liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị vào chiều tối 25-7-2013 cho biết: Vào thời điểm diễn ra cuộc khai quật, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã lập biên bản hiện trường và ghi rõ những điểm bất thường của cuộc khai quật, khẳng định hố chôn hài cốt này đã được dàn dựng từ trước. Vì vậy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã từ chối thẳng thừng việc NHCSXH đề nghị công nhận đó là hài cốt liệt sĩ. "Chúng tôi thấy NHCSXH tỏ ra "nhiệt tình quá mức" trong việc cố thuyết phục Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh công nhận 9 hài cốt này là hài cốt liệt sĩ" - ông Thanh nói. Vì sao lãnh đạo NHCSXH lại "nhiệt tình quá mức" trong việc bao che cho hành động dàn dựng mộ liệt sĩ của "cậu Thủy"? Số tiền 7,9 tỷ đồng thực chất được sử dụng như thế nào? Vấn đề này đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.