(HNM) - Trong quý I-2023, cả nước xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm hơn 15% (428 vụ), số người chết do tai nạn giao thông giảm hơn 15% (258 người) và số người bị thương giảm gần 9% (148 người).
Đáng chú ý, 42 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm, trong đó 14 địa phương giảm trên 40%. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, thông qua việc kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão giảm sâu so với các năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn 16 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 11 địa phương tăng trên 20%. Đặc biệt, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người (điển hình như tại tỉnh Quảng Nam xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 19 người, bị thương 25 người). Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng tụ tập, điều khiển phương tiện thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng.
Mất an toàn giao thông vẫn là nguy cơ lớn không thể chủ quan, lơ là, nhất là khi 80% số vụ tai nạn giao thông do lỗi người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định pháp luật. Khi hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng còn thiếu chặt chẽ. Đồng thời, không thể chủ quan khi ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém; áp lực phương tiện lên hạ tầng giao thông vẫn tăng nhanh...
Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông. Đó là tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn như chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện...
Đặc biệt, các chuyên đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông đang phát huy tác dụng tích cực, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian qua như kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa, xử lý việc sử dụng giấy tờ giả liên quan đến người và phương tiện... cần tiếp tục được tăng cường. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm là hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả nhất.
Đi cùng với đó, các cấp, ngành cần nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi công việc, bởi nơi nào các cấp, ngành chủ động vào cuộc, nơi đó tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực và ngược lại. Hơn thế, việc các cấp, ngành chủ động vào cuộc, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông còn góp phần lan tỏa văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng.
Về lâu dài, cần tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; các mô hình, giải pháp bảo đảm an toàn giao thông hiệu quả cần được phổ biến, nhân rộng trên toàn quốc. Cùng với đó là hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, thân thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.