(HNM) - Sau hơn 10 năm đầu tư lớn cho công tác tiêu thoát nước, kết hợp chỉnh trang đô thị, đến thời điểm này, việc Hà Nội chỉ còn 18 điểm ở khu vực nội thành bị ngập nếu có mưa trên 50mm trong hai giờ là một cố gắng lớn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước và phát triển hạ tầng khu vực đô thị “lõi” của Hà Nội (các quận) còn nhiều bất cập.
Trước đây, do quy mô dân số và mật độ xây dựng thấp, việc tiêu thoát nước cho Hà Nội chủ yếu dựa vào các tuyến sông, kênh mương tự nhiên như sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ và Sét… Cùng với đó là hệ thống các ao, hồ. Nhưng hiện nay, mọi sự đã thay đổi, hồ, ao bị san lấp, lấn chiếm, nhường chỗ cho nhà cao tầng và khu đô thị mới, khiến lượng nước mưa không có chỗ tiêu thoát. Không những vậy, hệ thống thoát nước được xây dựng qua nhiều giai đoạn, chắp vá, không bao phủ được các khu vực trong đô thị và việc thiếu cống để thu nước thoát cho các tiểu khu, khu dân cư cũng là nguyên nhân gây ngập úng.
Nhìn chung, công tác quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị luôn “chạy sau” các quy hoạch khác ở các khu đô thị, tuyến đường mới và luôn trong cảnh bị động ở những điểm dân cư cũ đang đô thị hóa nhanh. Việc điều chỉnh quy hoạch ở các khu chức năng, khu dân cư tại địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân thời gian qua cũng góp phần làm cho hạ tầng đô thị quá tải, mà hệ thống tiêu thoát nước là điển hình.
Vậy đâu là giải pháp bền vững cho vấn đề tiêu thoát nước ở Hà Nội hiện nay?
Trước hết, cần phải có cái nhìn về tổng thể địa hình, địa chất của khu vực Hà Nội. Theo đó, vùng "lõi" đô thị Hà Nội có cấu tạo thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Vì thế, việc quy hoạch đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng phải “thuận” theo lẽ tự nhiên này để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Sau đó, cùng với việc sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu suất tiêu thoát của hạ tầng thoát nước hiện có, cần tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ từng giai đoạn, từng khu vực. Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng thoát nước và hạ tầng cơ sở ở những khu vực dân cư mới, khu đô thị mới… để tránh lạc hậu. Mặt khác, về lâu dài khi duyệt quy hoạch, yêu cầu từng phân khu đô thị, dự án cao tầng phải có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước, thậm chí coi đó là việc bắt buộc.
Ở vườn hoa, phải tạo ra bể ngầm, lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường, giảm ngập lụt là những giải pháp nên làm. Khi có điều kiện, cũng nên tính đến phương án xây dựng các hồ chứa ngầm, coi đó là giải pháp giảm úng ngập hiệu quả như các đô thị lớn khác trên thế giới đã sử dụng thành công. Đặc biệt, việc san lấp ao hồ để xây khu đô thị cũng như “bê tông hóa” các hồ ở nội đô như hiện nay cũng cần phải tính toán trên cơ sở đánh giá mặt được, chưa được trước khi triển khai diện rộng.
Trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một tín hiệu vui đối với người dân Thủ đô. Ngoài chức năng phủ xanh đô thị, những công trình này sẽ có hệ thống hồ điều hòa, cây xanh, thảm cỏ…, hình thành các vùng tiểu khí hậu ôn hòa, trong lành hơn. Tuy vậy, trong khi chờ những dự án này trở thành hiện thực, mỗi công dân cần phải có ý thức hơn, đơn giản nhất là làm sao để cống thoát nước trước cửa nhà mình không tồn đọng rác, không bị túi ni lông… che phủ. Đó là những việc làm nhỏ, nhưng thiết thực nhất để hạn chế ngập lụt mỗi khi mùa mưa về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.