(HNM) - Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt luôn là vấn đề đau đáu. Khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, rồi liên tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương trong những năm qua, đặc biệt là việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hàng Việt càng được quan tâm nhiều hơn.
Để chuẩn bị cho "sân chơi" hội nhập, ngày 31-7-2009, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Thông báo số 264-TB/TƯ, thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bộ Chính trị nhận định "đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, nhưng tác động của nền kinh tế thế giới đến nước ta sẽ nhanh, mạnh; sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như nội địa đối với các sản phẩm hàng hóa Việt Nam ngày một gay gắt hơn". Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… Có thể thấy, Bộ Chính trị đã đòi hỏi, yêu cầu rất cao sự chủ động của mỗi doanh nghiệp khi hội nhập.
Gần 7 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp. Hàng Việt đã từng bước lấy lại vị thế trên thị trường, niềm tin của người tiêu dùng, tỏa đi khắp vùng miền và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong cuộc hội nhập khốc liệt sắp tới, hàng Việt dường như đang có phần thất thế. Các sản phẩm nhập ngoại vẫn tràn lan thị trường, trong các chợ, siêu thị lớn bé. Ngay cả các loại đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em… cũng có xuất xứ nước ngoài. Hàng loạt các tập đoàn quốc tế đã nhòm ngó, tìm cách chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Và đương nhiên, khi sở hữu hệ thống bán lẻ trong tay, họ sẽ ưu tiên cung ứng sản phẩm có lợi cho các doanh nghiệp và quốc gia họ.
Thương trường như chiến trường. Càng hội nhập sâu càng khốc liệt. Để có thể trụ vững, phát triển, không còn cách nào khác ngoài việc chủ động xây dựng chiến lược, phát huy thế mạnh, sức mạnh nội sinh, sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá thành cạnh tranh. Nói dễ, nhưng làm không dễ bởi phần lớn doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ, năng lực hạn chế, chưa có thương hiệu. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bó tay chịu trận. Doanh nghiệp nước ngoài không thể hiểu rõ thị trường Việt Nam, tâm lý tiêu dùng người Việt bằng doanh nghiệp Việt Nam. Và phía sau các doanh nghiệp là hơn 90 triệu người dân yêu nước. Vấn đề đặt ra là có xác định chính xác thế mạnh từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, căn cơ, đề cao trách nhiệm trước các "thượng đế". Một doanh nghiệp, một quốc gia sẽ chỉ thực sự vững mạnh khi phát huy được nội lực, có nền sản xuất hùng hậu, tạo ra giá trị thặng dư và phát triển ổn định. Điều này chỉ có được khi hình thành những mối liên kết gắn bó trách nhiệm và lợi ích chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nhà kinh doanh - hộ bán lẻ trên cơ sở đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam.
Do vậy, việc đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ cho những lĩnh vực thế mạnh là đòi hỏi cấp thiết. Không thể tiếp tục vẽ ra những đề án to tát, dàn trải mà thiếu tính khả thi, thậm chí gây lãng phí ngân sách. Với nền văn minh lúa nước, sản xuất nông nghiệp được xem là có nhiều lợi thế khi hội nhập. Thế nhưng, với những diễn biến mới đây đối với ngành chăn nuôi, có thể thấy, sản xuất trong nước đã bộc lộ không ít hạn chế. Một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp vẫn rất thờ ơ đối với lĩnh vực này và theo đuổi những "giấc mơ" xa vời, hay chấp nhận… làm thuê. Con số thống kê vốn các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng nguồn vốn đã phần nào nói lên điều đó. Đáng mừng là thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư mạnh cho lĩnh vực này như: Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Vinamilk, TH…, cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng, khẳng định thương hiệu không chỉ với thị trường trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Vingroup, Saigon Co.op, Hapro... cũng đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường bán lẻ đầy tiềm năng.
Doanh nghiệp không thể độc diễn trên "sân chơi" hội nhập dù đã xác định và phát huy "sở trường". Khi vấn nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái còn hoành hành sẽ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp chân chính. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, tích cực nhằm tạo ra "sân chơi" bình đẳng, trước hết là giữa các doanh nghiệp nội. Và sau nữa là phát huy mạnh mẽ vai trò của các hội, hiệp hội ngành nghề để khớp nối, gắn kết mối quan hệ hợp tác từ sản xuất tới tiêu dùng. Nước đã đến chân, không thể chậm trễ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.