(HNM) - Chuyện thể dục dụng cụ, đấu kiếm - những môn thi chính thức tại các kỳ Olympic hay ASIAD bị gạt khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 27 đã cho thấy rõ tính chất
Môn thi Olympic cũng bị gạt
Thực tế, không ai bất ngờ khi thể dục dụng cụ, đấu kiếm bị loại khỏi SEA Games 27. Gần như đã trở thành tiền lệ, nước chủ nhà SEA Games đưa ra quyết định về số môn và nội dung thi đấu mà không cần có tiêu chí rõ ràng nào. Tất cả đều dựa trên cái "lệ' bất thành văn rằng cứ môn nào gây bất lợi cho cuộc đua đến vị trí trong nhóm đầu của nước chủ nhà SEA Games thì sẽ bị loại hoặc giảm nội dung thi đấu với những lý do "khách quan", kể cả môn đó có trong chương trình thi đấu Olympic hay ASIAD. Trước SEA Games 26, chẳng riêng Việt Nam, Myanmar - chủ nhà SEA Games 27, cũng ngậm đắng nuốt cay khi bóng đá nữ không có trong chương trình thi đấu. Đơn giản bởi bóng đá nữ Indonesia quá yếu trong khi Việt Nam, Myanmar hay Thái Lan lại mạnh về nội dung này. Còn vừa qua, khi Indonesia khát khao đưa quần vợt (cũng có mặt tại Olympic) vào chương trình thi đấu nhằm giành thêm 2-3 HCV thì cũng đành chịu trước quyền quyết định của chủ nhà Myanmar.
Đấu kiếm đã bị loại khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 27. |
Trong khi đó, thể thao Việt Nam nỗ lực đưa thể dục dụng cụ, đấu kiếm (từng giúp đoàn Việt Nam giành gần 20 HCV ở SEA Games 26) vào chương trình thi đấu SEA Games 27 song cũng đành chịu. Ngoài sự "mặn mà vừa phải" của nước chủ nhà còn phải kể đến thái độ tương tự của nhiều đoàn khác. Đó mới là điều đáng kể trong các cuộc họp bàn về nội dung thi đấu tại các kỳ SEA Games. Chẳng mấy đoàn ủng hộ đưa môn thi không phải thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu và thế là số môn, nội dung thi đấu của SEA Games cứ thay đổi xoành xoạch.
Có cần đầu tư mạnh cho SEA Games?
Khi hội nhập trở lại với đấu trường thể thao quốc tế vào năm 1989, SEA Games là sân chơi quan trọng nhất của thể thao Việt Nam. Lúc ấy, so với nhiều nền thể thao trong khu vực, thể thao Việt Nam còn bỡ ngỡ đủ điều. Để rồi sau đó, SEA Games chính là bàn đạp để thể thao Việt Nam vươn đến những mục tiêu xa hơn.
Và kể cả khi đã đặt ra những mục tiêu huy chương cụ thể tại ASIAD cũng như Olympic, thể thao Việt Nam vẫn coi trọng SEA Games. Những năm có SEA Games, cả nền thể thao hừng hực vào cuộc. Mỗi năm như vậy, lại cả trăm tỷ đồng được dồn cho khoảng 1.000 VĐV, HLV tập huấn. Tốn kém rất nhiều nhưng rõ ràng SEA Games dễ làm bảng thành tích cuối năm của các bộ môn, đội tuyển "đẹp" và "bắt mắt" hơn so với những năm có ASIAD hay Olympic.
Chẳng riêng các nhà quản lý, các HLV và VĐV cũng chú tâm hết sức. Đơn giản, giành huy chương ở SEA Games dễ hơn nhiều so với ASIAD và Olympic. Nhiều VĐV chỉ vươn đến tầm SEA Games nên coi đây là cái đích lớn nhất. Không kể, tiền thưởng từ những tấm huy chương SEA Games cũng không ít. Còn tiền thưởng cho huy chương ASIAD, Olympic cao thật đấy nhưng chẳng khác nào thách người trong cuộc "leo cột mỡ".
Để vươn tới những mục tiêu lớn hơn như ASIAD hay Olympic, thể thao Việt Nam không thể đầu tư dàn trải. Nếu dồn tiền để có một kỳ SEA Games tưng bừng thì thể thao Việt Nam sẽ phải chấp nhận cảnh hụt bước tại ASIAD, Olympic. Không muốn vướng vào chuyện này, có lẽ chỉ còn cách đầu tư vừa phải cho SEA Games và để tập trung cho những trọng điểm (môn, VĐV) có thể giành huy chương ASIAD, Olympic. Dù sao trong mắt nhiều người, SEA Games với tính chất "hội hè" chỉ còn có giá (về danh vọng, tiền thưởng) trong mắt VĐV, HLV. Còn với người hâm mộ, sự không ổn định về môn thi đấu - thường có lợi cho nước chủ nhà, đang khiến SEA Games ngày càng mất giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.