(HNM) - Nếu không có biện pháp quyết liệt thì mục tiêu có 140-160 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 khó hoàn thành.
Nếu không có biện pháp quyết liệt thì mục tiêu có 140-160 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 khó hoàn thành. Đó là nhận định của HĐND TP Hà Nội sau khi kết thúc đợt khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND thành phố tại 6 huyện, 6 xã trên địa bàn.
Tiến độ chậm...
Sau 3 năm triển khai, công tác xây dựng NTM đã đạt được một số kết quả quan trọng. Toàn thành phố đã có 236/401 xã (chiếm 59%) đạt, cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; 91 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 133 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí. Việc lập và phê duyệt quy hoạch xã NTM, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa (DĐĐT), xây dựng đường giao thông thủy lợi nội đồng, cải tạo đường làng ngõ xóm được thực hiện trên diện rộng và đạt được nhiều kết quả. Một số chương trình mục tiêu lồng ghép như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa tuy chưa đạt tiến độ nhưng có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỷ lệ người lao động có việc làm tăng từ 57,85% lên 95%; thu nhập bình quân tăng từ 12 triệu đồng/người/năm (2009), lên 21 triệu đồng/người/năm (2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,27%, xuống còn 5,1%... Đến hết năm 2012, tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM của toàn thành phố là hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố hơn 4.450 tỷ đồng (chiếm 34%), ngân sách huyện hơn 6.664 tỷ đồng (chiếm 51%), ngân sách xã chiếm 2,4%, nhân dân đóng góp chiếm 4,9%...
Đầu tư vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. |
Tuy nhiên, qua giám sát việc triển khai xây dựng NTM cho thấy hàng loạt "điểm nghẽn" như: Việc triển khai nghị quyết, ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm và thiếu. Sau 8 tháng triển khai Nghị quyết 03, UBND TP Hà Nội mới ban hành quy định tạm thời về trình tự, thủ tục, thẩm định, trình duyệt đề án xây dựng NTM cấp huyện, xã. Việc phối hợp giữa các sở, ngành với các huyện, thị xã chưa tốt; công tác tuyên truyền chưa sâu; nhiều quy hoạch chưa sát với thực tế; không ít địa phương mới chú trọng đến đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đến các phong trào văn hóa, xã hội và tổ chức lại sản xuất… Đặc biệt, theo đề án được HĐND TP Hà Nội thông qua, tổng mức đầu tư cho xây dựng NTM là 31.900 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 56%, còn lại là vốn xã hội hóa, song đến nay, nguồn vốn nhà nước đang chiếm tới 87%, vốn đóng góp của người dân và doanh nghiệp rất thấp, chỉ chiếm 3-5%, không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách xã khó khăn, không đủ để đối ứng vốn thi công, dẫn đến nợ đọng vốn xây dựng cơ bản hoặc thi công kéo dài... Điển hình như xã Thụy Hương (Chương Mỹ) đang nợ doanh nghiệp 51 tỷ đồng. Nhiều huyện có "đất sạch", đã được đầu tư hạ tầng nhưng không tổ chức đấu giá được cũng làm hạn hẹp nguồn vốn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Giải trình về việc thiếu vốn xây dựng NTM, đại diện Sở Tài chính cho biết, theo đề án được HĐND thành phố thông qua, số vốn cho xây dựng NTM chỉ có 31.900 tỷ đồng trong 10 năm, nhưng kế hoạch các huyện xây dựng lên tới hơn 92.000 tỷ đồng, cấp xã hơn 107.000 tỷ đồng. Chính điều đó đã phát sinh thiếu hụt nguồn vốn. Việc huy động doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng rất khó do cơ chế, thủ tục, khả năng sinh lãi không lớn. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, thì sau thành công về DĐĐT cần phải cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để họ yên tâm sản xuất, đồng thời lập lại các bản đồ để quản lý tốt đất đai… Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố cần có chính sách ưu tiên phân bổ kinh phí càng sớm càng tốt cho các địa phương. "Thành phố cũng cần có quan điểm rõ hơn về việc phân chia nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cái gì trong xây dựng NTM và nên giảm chỉ tiêu 40% số xã hoàn thành NTM vào năm 2015 để tập trung nguồn lực hơn" - ông Phong đề xuất.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, việc xây dựng NTM, phải đi vào thực chất, tránh chạy theo các tiêu chí. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát động tuyên truyền xây dựng NTM không nên chỉ ở cơ sở, cấp xã, huyện mà các sở, ngành của thành phố cũng cần vào cuộc. Thành phố cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách tổng thể đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo hướng tăng cường đầu tư nguồn lực cho khu vực này. Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất, trong điều kiện ngân sách khó khăn, cần tập trung vào những dự án cấp bách, tránh dàn trải...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.