Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phát triển ồ ạt

Quỳnh Dung| 14/07/2010 06:09

(HNM) - Đến nay, Hà Nội cơ bản đã khống chế được dịch tai xanh, giá thịt lợn thương phẩm, lợn giống bắt đầu tăng. Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y Hà Nội, khi tổ chức khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch, người nông dân cần thận trọng, không nên tái đàn ồ ạt, chú ý kiểm dịch con giống trước khi đưa vào nuôi để tránh dịch cũ chưa qua, dịch mới lại bùng phát.

Thiếu vốn để tái đàn
Anh Nguyễn Văn Lưu, chủ trang trại ở thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi (Gia Lâm) cho biết, gia đình nuôi 120 con lợn, trong đó 50% số lợn bị bệnh. Do vậy, từ tháng 4 đến nay, anh không nhập thêm lợn giống lợn mới đem bán cho các đầu lậu. Nay dịch tai xanh đã lắng xuống, gia đình anh đang tổng vệ sinh chuồng trại để nuôi lứa lợn mới khoảng 200-300 con. Nhưng đợt dịch vừa qua trang trại của anh bị thiệt hại lớn, nay muốn mở rộng sản xuất mà chưa biết xoay vốn ở đâu. Còn ông Đỗ Văn Thắng ở huyện Phú Xuyên than phiền, trước dịch, trang trại có 30 đầu lợn, nay chỉ còn 10 con. Ông Thắng cho biết, phải mua lợn giống với giá trung bình 600.000 đồng/con cộng với 1 triệu đồng tiền thức ăn nên lợn ốm, chết coi như mất cả cơ nghiệp. Thời gian tới, ông muốn mở rộng quy mô, nuôi khoảng 50 con nhưng chưa lo được vốn, nợ cũ chưa trả, chắc chắn ngân hàng không cho vay.

Ông Đàm Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên khẳng định, dịch bệnh là nỗi kinh hoàng đối với người chăn nuôi, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp và lâu dài. Đầu tư chăn nuôi lợn thường lớn hơn so với vịt, gà do chi phí làm chuồng trại lớn, giống đắt và đặc biệt giá thức ăn liên tục tăng cao trong những năm qua. Đợt dịch vừa qua, các hộ chăn nuôi ở Khai Thái lâm vào cảnh điêu đứng, nay giá lợn thương phẩm đã tăng, muốn tái đàn nhưng lại gặp nhiều khó khăn do giá giống và thức ăn chăn nuôi đều tăng nên người dân chưa biết trông vào đâu.

Không nên tái đàn ồ ạt
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo, sau dịch các địa phương tổ chức khôi phục chăn nuôi nhưng cần thận trọng, tránh nóng vội, không nên tái đàn ồ ạt. Khi khôi phục cần để trống chuồng tối thiểu 21 ngày kể từ ngày vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trước khi nuôi lợn trở lại, cơ sở chăn nuôi phải được tiếp tục vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các cơ sở không bị dịch. Không được nuôi thả rông, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng phải cao ráo và bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y. Hằng ngày phải quan sát, theo dõi vật nuôi; nếu thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường phải báo cho cán bộ thú y để can thiệp kịp thời. Những đàn lợn còn lại sau dịch cần được tiêm phòng đầy đủ; tổ chức tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát các luồng lưu thông gia súc trên địa bàn, chủ động phòng bệnh cho đàn lợn nái.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nông dân tiêm các loại vắcxin phòng bệnh cho đàn lợn, đặc biệt là phòng bệnh tai xanh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, nhất là ở các ổ dịch. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra lại toàn bộ các hố tiêu hủy lợn bệnh thời gian vừa qua và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối tại các khu vực này đề phòng mầm bệnh tái phát. Khó khăn lớn nhất hiện nay là người nuôi thiếu vốn đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức tín dụng có chính sách cho vay vốn ưu đãi để các hộ có điều kiện khôi phục nhanh đàn lợn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phát triển ồ ạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.