Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải là “cây đũa thần”

Tuấn Lương| 26/12/2014 06:32

(HNM) - Hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP) đang được coi là giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng trong nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là phát triển giao thông. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, PPP là cần thiết, nhưng không phải là cây

Cần có những quy định cụ thể ổn định nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong các dự án hạ tầng PPP tại Việt Nam. Ảnh: Lê Quân


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, theo đánh giá của diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2014, xếp hạng về hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 29 bậc so với năm 2010, đứng thứ 74/138 nước trên thế giới. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Muốn đất nước phát triển, GTVT phải đi trước mở đường và muốn vậy phải có vốn bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong đó PPP là một kênh rất quan trọng. Việc nghị định về PPP sắp được Chính phủ ban hành chắc chắn sẽ có thay đổi lớn, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nguồn vốn PPP vào giao thông.

Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công - tư (Bộ GTVT), định hướng giai đoạn 2015-2020, Bộ GTVT sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, đường bộ tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc, các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn. Về hàng hải sẽ đầu tư các cảng đầu mối, luồng hàng hóa chuyên dùng thu phí hoàn vốn. Về hàng không đầu tư các cảng hàng không trọng yếu và các hạng mục cần nâng cấp, mở rộng ở các nhà ga, cảng hàng không. Về đường sắt sẽ nâng cấp một số nhà ga đầu mối, tuyến đường sắt Bắc - Nam, các dự án đường sắt đô thị…

Khá dè dặt, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, mô hình PPP đã khá thành công ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Australia, Canada, Hàn Quốc… Nhưng, không thể không đề cập tới những thất bại như trường hợp dự án đường bộ thu phí ở Ba Lan do thiếu quy định pháp lý dẫn tới đàm phán kéo dài; dự án đường bộ ở Bungary thiếu minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư; dự án cấp nước ở Bolivia "đổ bể" do giá nước quá cao so với thu nhập của người dân. Từ đó có thể thấy, PPP không phải là "cây đũa thần", song là một cơ chế không thể không cần với Việt Nam. Một mô hình PPP riêng của Việt Nam là cần thiết.

Bà Sindy Wong - Phó Chủ tịch Công ty Mạng lưới vận tải IL&FS (Ấn Độ) - công ty chuyên đầu tư xây dựng hạ tầng, tiên phong trong các dự án hạ tầng PPP cho rằng, Việt Nam đang rất thiếu quy định, thể chế và luật pháp. Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và cũng đang gặp nhiều thách thức trong đầu tư hạ tầng giống như rất nhiều nước khác. Để thu hút được vốn PPP thì điều đầu tiên là cần sự ổn định về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình khả thi về kỹ thuật và tài chính, khi có mô hình thành công có thể nhân rộng và phát triển là rất cần thiết. Ngoài ra, các dự án thực hiện thông qua liên doanh phải minh bạch, giảm thiểu chi phí…

PPP (Public-Private Partner) là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Ở Việt Nam đã có các dự án được triển khai theo hình thức này, trong nhiều lĩnh vực như giao thông, môi trường (nhà máy xử lý nước thải), cung cấp nước sạch… nhưng nhiều nhất vẫn là giao thông.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phải là “cây đũa thần”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.