Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải bây giờ mới cấp thiết

Tùng Linh| 10/11/2011 06:55

(HNM) - Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt


Đến nay, 24/25 đơn vị thuộc loại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn đã hoàn thành dự án xử lý nước. Chỉ còn dự án xử lý nước thải của Bệnh viện (BV) Đa khoa Đống Đa vẫn chưa được triển khai khiến người dân sống quanh bệnh viện luôn lo lắng.

Không để nơi chữa bệnh gieo mầm bệnh

Rác thải y tế thuộc danh mục chất thải đặc biệt nguy hại với sức khỏe con người nếu như nó thải ra môi trường sống khi chưa qua xử lý triệt để, đúng quy trình. Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 400.000m3 nước thải từ thành phố đổ ra sông Nhuệ và sông Đáy. Điều đáng nói là hầu hết lượng nước thải này chưa được xử lý, trong đó gần một nửa là nước thải bệnh viện. Nước thải bệnh viện bao gồm máu, dịch đờm, phân, nước vệ sinh của người bệnh; các dung dịch y tế, hóa chất độc hại... chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn gây bệnh được liệt vào loại chất thải đặc biệt nguy hại. Nếu chúng được thải ra môi trường mà chưa qua xử lý thì sẽ làm ô nhiễm môi trường, mầm bệnh xâm nhập vào nguồn nước ăn, cây trồng, vật nuôi rồi lây lan gây dịch bệnh ngược lại cho con người, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc.

BV Đa khoa Đống Đa hiện là cơ sở y tế duy nhất của Hà Nội chưa có hệ thống xử lý nước thải chuẩn. Nước thải của bệnh viện chỉ được khử khuẩn đơn thuần bằng CloraminB nên tác dụng hạn chế, chưa xử lý triệt để được mầm gây bệnh. Môi trường của BV vì thế cũng không bảo đảm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh, cán bộ nhân viên y tế và người dân 4 phường quanh khu vực BV. Bày tỏ mong muốn sớm có được hệ thống xử lý nước thải cho đơn vị, ngày 9-11, TS Lê Hùng, Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa phân tích: Đặc thù của BV chúng tôi là nơi tiếp nhận các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là khi trời mưa, nước ngập, vì vậy rất cần có hệ thống xử lý chất thải đúng quy trình, bảo đảm xử lý được triệt để mầm bệnh. Đây là điều kiện cần phải có của mỗi BV khi đi vào hoạt động, tuy nhiên do kinh phí khó khăn, hiện đơn vị mới xử lý được chất thải rắn đúng quy trình của Bộ Y tế, còn chất thải lỏng hầu như chưa được xử lý. Nếu xây dựng được hệ thống xử lý này thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế và người dân khu vực.

Một công trình nhiều ý nghĩa

Thấy rõ được sự cấp thiết cần phải cải thiện môi trường của BV Đa khoa Đống Đa, từ năm 2009, dự án "Xây dựng trạm xử lý nước thải tại BV Đa khoa Đống Đa" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và theo kế hoạch hoàn thành vào quý IV-2009, cùng với 24 đơn vị y tế khác trên địa bàn. Tuy nhiên dự án đã phải dừng triển khai do gặp phải sự phản ứng của Nhà thờ Thái Hà. Trước đòi hỏi nước thải của BV phải được xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường cho BV và khu vực lân cận, tháng 5-2010, Sở Y tế Hà Nội đã có tờ trình xin phê duyệt điều chỉnh, bổ sung lại kế hoạch đấu thầu dự án và đã được phê duyệt.

Theo kế hoạch này, hệ thống xử lý nước thải có công suất 250 m3/ngày đêm áp dụng công nghệ AAO của Nhật Bản được đặt nổi trên bệ bê tông cốt thép có diện tích đất 175m2 tại khu vực vườn hoa của BV. Hệ thống đường ống thu gom từ các khoa phòng và từ phía sau của bể tự hoại sử dụng ống PVC dẫn về bể điều hòa đặt ngầm dung tích 40m3, trên diện tích đất khoảng 15m2. Đây là hệ thống hợp khối đã được Bộ KHCN thẩm tra khi áp dụng vào một số dự án xử lý nước thải của BV của Bộ Y tế. Trạm xử lý nước thải sẽ bảo đảm khử được vi khuẩn, vi trùng trong nước thải đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra hệ thống thoát nước công cộng. Vì thời gian thi công theo công nghệ này chỉ mất 2 tháng nên lộ trình được đề ra là sẽ hoàn thành dự án trong tháng 7-2010.

Đã hơn một năm trôi qua kể từ mốc thời gian trên và 8 năm kể từ ngày BV Đống Đa được liệt vào danh sách "đen" về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa lúc nào các cán bộ y tế và nhân dân 4 phường quanh khu vực BV nguôi niềm mong mỏi dự án có ý nghĩa xã hội sâu sắc này sớm được hoàn thành. Có thể thấy rõ điều đó trong lời chia sẻ của Giám đốc BV TS Lê Hùng: "Đã từ rất lâu, chúng tôi nhận được nhiều đơn kiến nghị từ người dân xung quanh, trong đó có cả người dân theo đạo yêu cầu BV phải xây dựng trạm xử lý nước thải, nâng cấp cơ sở vật chất. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền và người dân tiếp tục nhiệt tình ủng hộ để dự án sớm được triển khai mang lại môi trường trong sạch cho cộng đồng".

* Ông Vương Đại Dương (phường Quang Trung, Đống Đa):

Khoảng 23h đêm 8-11, tôi thấy Nhà thờ Thái Hà đã tự dỡ bảng quảng cáo điện tử trên nóc nhà thờ. Tôi cho rằng đây là một hành động phù hợp. Giá như các chánh xứ Nhà thờ Thái Hà sớm nhận thức rõ những lợi ích mà dự án này đem lại cho cộng đồng thì tốt biết mấy. Dự án này vì lợi ích chung của cộng đồng, và vì môi trường sống của người dân, nên người dân phường chúng tôi rất ủng hộ. Tôi đã thực sự không hiểu vì sao trong khi thành phố, quận, phường luôn cố gắng quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân thì phía Nhà thờ Thái Hà lại làm ngược lại. Nếu các chánh xứ ở đây sớm nhận thức đúng, không kích động giáo dân và có hành vi vi phạm pháp luật thì sự việc sẽ không phức tạp, dự án sẽ sớm được thực hiện vì lợi ích của nhân dân. Tôi hy vọng tấm biển quảng cáo kia sẽ không tái xuất hiện nữa.

* Bà Kiều Thanh (Bộ Y tế):

Nguy cơ của chất thải y tế ở các bệnh viện ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sức khỏe con người. Chất thải lỏng chưa qua xử lý, xả thẳng ra hệ thống thoát nước thải công cộng sẽ mang theo các mầm bệnh hòa vào nguồn nước sông, hồ, có nguy cơ gây ra các dịch bệnh ngoài da, viêm gan, lao… Chất thải rắn không được xử lý, đem chôn lấp sẽ làm ô nhiễm mạch nước ngầm. Việc đầu tư xây dựng trạm xử lý chất thải y tế đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn sẽ rất tốn kém, không phải bệnh viện nào cũng làm được. Thành phố và các ngành liên quan thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là việc làm thiết thực vì lợi ích sức khỏe cộng đồng. Vậy mà một số người vì động cơ sai trái đã có những hành vi vi phạm pháp luật, ngăn cản việc xây dựng. Những hành vi này cần phải xử lý nghiêm minh. Thành phố không thể vì một vài cá nhân mà để chậm thực hiện dự án đem lại lợi ích cho cộng đồng.

* Bà Nguyễn Thu Hằng (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng):

Nước thải bệnh viện được liệt vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại bởi ngoài các loại vi trùng từ máu, dịch đờm, phân của người bệnh, còn có dung dịch chứa các chất phóng xạ phát sinh trong quá trình chẩn đoán, điều trị… Nếu không qua xử lý, loại nước thải này có khả năng lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh ra môi trường bên ngoài, nhất là đối với nước thải được xả ra từ những khoa lây nhiễm. Việc các khu dân cư sống xung quanh bệnh viện tiếp xúc gần với nguồn ô nhiễm có nguy cơ bị ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác tăng gấp nhiều lần là một thực tế. Tôi được biết, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là đơn vị y tế đầu ngành của Hà Nội về các bệnh lây nhiễm, tiếp nhận và điều trị tư vấn cho hàng ngàn lượt người có HIV/AIDS toàn thành phố. Vì vậy, việc xây dựng trạm xử lý nước thải tại đây là hết sức cấp thiết, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống và quyền lợi của người dân khu vực. Không thể để thay vì chữa bệnh, bệnh viện lại biến thành nơi lan truyền bệnh tật.


* Ông Nguyễn Thế Tiệm (KTT Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân):

Hệ thống tiêu thoát nước thải của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên thông với hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt của dân cư và hiện đã quá tải. Bởi vậy, cứ mưa là ngõ xóm ngập úng, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, khả năng phát tán mầm bệnh ra môi trường rất cao. Khi biết Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, bà con đều rất vui mừng và mong dự án sớm triển khai. Vì sức khỏe của người dân, lợi ích của đông đảo đồng bào bên lương cũng như bên giáo, lẽ ra Nhà thờ Thái Hà phải ủng hộ mới đúng. Giáo lý của Giáo hội kêu gọi tín đồ phải là công dân tốt, nghĩ về lợi ích quốc gia, thế nhưng một số đối tượng xấu đã cố tình chống đối, cản trở với những đòi hỏi vô lý. Chúng ta cần xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng tôn giáo để có những hành động đi ngược lại lợi ích chung của nhân dân.

Nhóm PV Bạn đọc
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không phải bây giờ mới cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.