Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nhiều kỳ vọng cho châu Âu

Quỳnh Chi| 18/08/2011 06:40

(HNM) - Cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài 2 giờ giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kết thúc đêm 16-7 (giờ Việt Nam).

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, kết quả cuộc gặp được nóng lòng chờ đợi này đã không thể dập tắt quan ngại về khả năng giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Thủ tướng Đức A. Merkel (trái) và Tổng thống Pháp N. Sarkozy trong cuộc họp báo chung tại Điện Elyse.


Không thể phủ nhận quyết tâm phục hồi nền tài chính của hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức trước cuộc khủng hoảng hiện nay với đề xuất thành lập một một hội đồng quản trị kinh tế cho Eurozone do Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đứng đầu nhằm giảm thiểu những cú "sốc" tài chính như những gì đang xảy ra trong khu vực suốt 1 năm qua. Ý tưởng triển khai "nguyên tắc vàng" về thâm hụt ngân sách trước mùa hè 2012, theo đó, các quốc gia thành viên EU đưa quy định về hạn chế thâm hụt ngân sách vào hiến pháp của từng nước, cũng được coi là một bước đi hiệu quả để xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn tài chính nghiêm ngặt hơn trong các nước Eurozone. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức cũng đề xuất Ủy ban châu Âu (EC) khôi phục đánh thuế các giao dịch tài chính vào tháng 9 tới... Những đề xuất của Tổng thống Pháp N.Sarkozy và Thủ tướng Đức A.Merkel đưa ra cho thấy, hai quốc gia trụ cột của châu Âu đang hướng tới một nấc thang mới nhằm tăng cường hội nhập kinh tế trong Eurozone và mở đường để các thành viên thực hiện một cơ chế quản lý kinh tế hiệu quả theo mô hình của Đức, vốn được nhiều nước khâm phục.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại kết quả cuộc gặp thượng đỉnh mang nặng tính kêu gọi này không đủ để tháo ngòi "quả bom" khủng hoảng nợ công đang treo lơ lửng trên đầu khu vực Eurozone. Đặc biệt, việc hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức không ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu Eurozone và mở rộng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) đã khiến thị trường tài chính thế giới có những phản ứng tiêu cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16-8, các sàn chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm sau 3 ngày tăng tốc mạnh mẽ nhất trong vòng 2 năm qua. Tụt dốc nhiều nhất là chỉ số Dow Jones với 76,97 điểm và chốt phiên ở mức 11.405,93 điểm. Trên thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 cũng mất 51,66 điểm. Chỉ số Nikkei Nhật Bản cũng trong tình trạng tương tự. Cùng với chứng khoán, đồng euro cũng giảm giá so với 11 trong tổng số 16 đồng tiền được giao dịch chủ chốt trên thị trường hối đoái quốc tế. Đến cuối giờ chiều qua (17-8), đồng tiền này mất giá khoảng khoảng 0,3% so với USD và yen Nhật, giao dịch ở mức 1,4397 USD và 110,5 yen đổi một euro. Điều này cho thấy, các đề xuất mới của Pháp và Đức chưa thể giúp xoa dịu mối lo của giới đầu tư về những nguy cơ của nền kinh tế toàn cầu. Nhất là khi một loạt chỉ số vừa công bố đều phát đi những tín hiệu tiêu cực.

Tin từ Văn phòng Thống kê quốc gia của Đức vừa cho biết, nền kinh tế lớn nhất Eurozone chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý II vừa qua. Còn Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực - đã giảm mức tăng trưởng xuống gần một nửa so với cùng kỳ và đang phải đối mặt với nguy cơ bị đánh tụt hạng tín dụng, mất "danh hiệu vàng" 3 chữ A (AAA). Trong khi đó, toàn bộ khu vực Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý II - thấp hơn nhiều so với mức 0,8% quý I.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết, đã tung một lượng tiền kỷ lục lên tới 22 tỷ euro để mua trái phiếu chính phủ, nhiều quốc gia nằm trong "mắt xích yếu" của khu vực như: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia, Tây Ban Nha... vừa phải "mắm môi" tăng cường chính sách khắc khổ để chứng minh quyết tâm giảm mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2013 theo thỏa thuận với EC. Thế nhưng, giới đầu tư vẫn lo ngại những khó khăn tài chính của Eurozone nếu không được giải quyết nhanh sẽ châm ngòi cho đợt suy thoái thứ 2 với những hệ lụy còn tệ hại gấp nhiều lần so với đợt suy thoái trong năm 2009.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nhiều kỳ vọng cho châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.